Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cùng với lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, lễ hội chùa Yên Tử cũng là 1 trong 3 lễ hội kéo dài nhất trong năm ở miền Bắc với 3 tháng hành hương, trẩy hội. Từ mùng 1 đến mùng 9 tháng giêng, mảnh đất sinh ra thiền phái Trúc Lâm đã đón tới 285.000 du khách.
Hành trình chạm tay vào ngôi chùa linh diệu
Đích đến của Yên Tử là chùa Đồng đặt trên đỉnh Yên Sơn cao 1.068 m. Trước đây, khi chưa có hệ thống cáp treo 2 chặng lên chùa Đồng, khách hành hương phải leo 17 km đường núi để được đứng trên đỉnh núi thiêng và chạm tay vào ngôi chùa linh diệu.
Chùa Đồng trong ngày khai hội Ảnh: MẠNH DUY
Cáp treo Yên Tử đã rút ngắn được rất nhiều hành trình leo núi nhưng chưa bao giờ chinh phục Yên Tử là việc dễ dàng. Có không ít du khách hành hương chỉ đến Yên Tử với sự tò mò và những lời đồn về sự linh thiêng nơi đây vẫn phải bỏ cuộc giữa chừng, ngay cả khi đã có cáp treo. Chặng đường núi phải chinh phục không có cáp treo để lên chùa Đồng vẫn còn gần 4 km, dốc và vất vả nhất là chặng cuối cùng khi du khách đã thấy chùa Đồng trên đỉnh núi nhưng nếu không có quyết tâm thì vẫn rất khó chinh phục.
Mùng 10 tháng giêng hằng năm mới khai hội Yên Tử nhưng du khách thập phương thường đổ về khu danh thắng này từ sáng mùng 9. Nhiều người thường leo núi trong đêm để hy vọng đến sáng có mặt ở chùa Đồng sớm nhất. Trong dịp khai hội, chỉ có cách đó mới giúp du khách chạm tay được vào chùa Đồng.
Sức mạnh tâm linh
Khai hội Xuân Yên Tử được coi là ngày đặc biệt không chỉ của TP Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh mà còn là hội của những phật tử, du khách khắp nơi. Sức hội tụ và lan tỏa của Yên Tử đến từ một không gian đầy chất thiền, một mảnh đất đã đi vào thi ca, nhạc họa.
Trên đỉnh Phù Vân (tên thường gọi của đỉnh Yên Tử), mọi người dường như tìm thấy cho mình sức mạnh về tinh thần để khởi đầu năm mới cũng như để cân bằng, vững vàng trong cuộc sống nhiều áp lực hiện nay. Anh Phạm Hoàn, một du khách đến từ TP Hải Phòng, cho biết: “Cứ 2 năm, tôi lại đến Yên Tử một lần. Lần đầu tiên được bố mẹ dẫn đi cách đây gần 20 năm, đến nay tôi đã đi Yên Tử hơn 10 lần”.
Hòa mình vào dòng người đổ về Yên Tử, chúng tôi mới thêm thấm thía câu thơ đã được lưu truyền: “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Là những người đã từng chinh phục Yên Tử vào mùa không lễ hội bằng đường bộ, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên của mảnh đất này. Có những cụ già ở tuổi 80, 90 vẫn leo bộ lên chùa Đồng. Quả thực, phải có mặt ở những lễ hành hương về những miền thánh địa như Yên Tử mới hiểu được sức mạnh tâm linh trong mỗi con người và của cả một cộng đồng là vô bờ bến...
Phải nhích từng bước chân, chúng tôi mới lên được chùa Đồng vào đầu giờ chiều ngày khai hội, sau khoảng 4 giờ cả đi cáp treo và leo núi. Chùa Đồng dịp khai hội luôn quá tải, vì thế rất ít người được chạm tay vào ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
Lo trộm cắp, hồi hộp với cáp treo
Khác với các lễ hội khác, tại Yên Tử, du khách không phải lo nạn “chặt chém” vì ban quản lý khu danh thắng đã yêu cầu các cửa hàng, nhà hàng phải niêm yết giá. Tuy nhiên, nạn trộm cắp lại khá phổ biến ở đây dù ban quản lý đã bố trí lực lượng an ninh theo dõi, bảo vệ.
Việc xếp hàng trong nhiều giờ khiến các ga cáp treo luôn quá tải. Cũng có hiện tượng cáp treo vận hành không ổn định, khi đến ga cửa không mở khiến du khách phải đi lòng vòng vài lượt trên núi trong tình trạng ù tai vì núi Yên Tử khá cao.