Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Châu Á đối mặt thách thức về tài nguyên

(08:11:15 AM 10/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Thái Bình Dương đang bước vào thời kỳ phát triển kinh tế với tốc độ trung bình khoảng 6%/năm, riêng nền kinh tế Trung Quốc đang thay đổi nhanh gấp 10 lần nước Anh thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Người dân đô thị sẽ tăng từ 3,6 tỉ vào năm 2010 lên 6,3 tỉ vào năm 2050, trong đó phần lớn tập trung ở châu Á. Ông Simon Henry, giám đốc tài chính của Tập đoàn Royal Dutch Shell, chia sẻ tại diễn đàn năng lượng - nước và thực phẩm Powering Progress Together tổ chức mới đây tại Manila, Philippines.

 

Theo kết quả khảo sát của Shell thực hiện tại châu Á, áp lực về việc phải gia tăng năng lượng, nước sạch, thực phẩm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số toàn cầu là mối lo của các quốc gia. Cụ thể, sự thiếu hụt năng lượng ở Thái Lan, Hàn Quốc, gia tăng chi phí năng lượng ở Ấn Độ, Singapore, thiếu nước sạch ở VN và thiếu hụt lương thực ở Indonesia là những vấn đề được quan tâm nhất.

 

Tại diễn đàn Powering Progress Together, ông Jeremy Bentham - phó chủ tịch môi trường kinh doanh toàn cầu Shell - cho rằng việc các quốc gia châu Á thể hiện mối quan tâm đến nhu cầu năng lượng tương lai là một tín hiệu đáng mừng vì đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng về dân số và nhu cầu sử dụng năng lượng trong tương lai mạnh nhất thế giới.

 

Ông Bentham cho biết từ việc phân tích xu hướng hiện tại, các chuyên gia của Shell đã tính toán được nhu cầu năng lượng, nước sạch và thực phẩm sẽ tăng thêm từ 40-50% vào năm 2030. Trên toàn khu vực châu Á, nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060. “Trong 10 năm tới, thế giới sẽ mất cân bằng về cung cầu năng lượng, nước và thực phẩm. Đây là mức tăng khủng khiếp và còn nhiều tranh cãi để có thể đưa ra được kế hoạch phối hợp hành động khẩn cấp. Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải có trách nhiệm cùng nhau giải quyết vấn đề này vì các thế hệ mai sau” - ông Bentham nói.

Theo Hồng Nhung (TTO)