Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Linh lan - một sản phẩm mới của Dalat Hasfarm - rất ăn khách ở thị trường tết năm nay nhờ lạ, đẹp và chỉ 90.000 đồng một chậu - Ảnh: H.T.
Các chủ vườn sản xuất hoa địa lan càng bi đát hơn, 40% chậu hoa có giá 5-13 triệu đồng/chậu buộc phải cắt cành bán lẻ sau tết với giá chỉ bằng hoặc thấp hơn giá bán chậu 10-20 lần. Trong khi đó, các công ty sản xuất hoa chậu hoặc các loại hoa mới thắng lớn. Đa số doanh nghiệp này đều có bộ phận nghiên cứu thị trường và tìm hiểu giống mới, công nghệ mới.
“Trồng mù, bán mù”
Nên bỏ quan niệm “vụ hoa tết”
Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng người trồng hoa nên bỏ quan niệm mùa vụ mà lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh việc cung cầu không gặp nhau. “Hoa tết không chỉ là hoa cúng lễ mà còn là hoa trang trí, nông dân trồng hoa lễ nhiều quá thì phải lỗ thôi bởi qua lễ tết không ai dùng hoa đó nữa” - ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, giải pháp an toàn hơn là quan sát thị hiếu tiêu dùng và sản xuất các loại hoa có thể bán được nhiều thời điểm. Người dân ở chung cư ngày càng nhiều mà cứ sản xuất hoa chậu hoành tráng thì khó tiêu thụ. “Nếu còn quan niệm kiểu “vụ hoa tết” thì nông dân quanh năm trồng rau đến tết chuyển qua trồng hoa. Đây là cách làm không chuyên nghiệp, gây rối loạn thị trường hoa, cả làng đều lỗ chứ không phải mỗi nông dân trồng rau đi trồng hoa lỗ” - ông Nghĩa nói. |
Chủ vườn Trương Thị Bốn (Trại Mát, P.11, Đà Lạt) trồng hơn 1ha hoa ly ly. Do ảnh hưởng thời tiết nên chỉ 50% vườn hoa nở kịp trước tết, số còn lại buộc phải cắt non bán cho kịp tết. Bà Bốn thú thật phải chấp nhận may rủi khi bán hoa non: “Ký gửi thì chủ vựa mới nhận bán cho mình, cầu mong cho hoa mang về xứ nóng kịp bung nụ vào tết, nhưng đến nay hoa vẫn không chịu nở nên chủ vựa gửi trả. Tôi hồi hộp suốt dịp tết, giờ thì biết chắc lỗ”. Bà Bốn không chỉ lỗ tiền hoa mà còn bị thương lái bắt đền tiền vận chuyển bằng 1/15 trị giá hai xe hoa ký gửi. Bà Bốn cho biết đã bị thua lỗ liên tiếp hai vụ hoa ly ly tết do “trồng mù, bán mù”.
Tại làng hoa Thái Phiên (P.12, Đà Lạt) - vùng trồng hoa ly ly và hoa cúc vụ lớn nhất Đà Lạt, nhiều nhà vườn cho biết số hoa cúc ký gửi thương lái vào chiều 27 tết đến nay vẫn chưa biết được số phận như thế nào. Ông Nguyễn Đức Thọ trồng 2ha hoa vừa cúc vừa ly ly cho biết mấy ngày qua phải cắt cử người vừa đi bán cho hết số hoa ly ly bị gửi trả, vừa phải tính toán vay mượn để đầu tư vụ hoa mới do bị hút vốn sau vụ hoa tết. Phần vì thua lỗ, phần vì thương lái tại TP.HCM chưa thanh toán, chưa kể hơn nửa số hoa cúc ký gửi được báo sẽ bị gửi trả lại do không bán được khiến gia đình ông Thọ mất ăn mất ngủ. “Năm nay tôi tăng diện tích trồng hoa cúc và ly ly, không ngờ thị trường tiêu thụ kém quá” - ông Thọ than. Ông Hồ Ngọc Dinh, chủ tịch Hội nông dân P.12 (Đà Lạt), cho biết hoàn toàn bất ngờ với chuyển biến thị trường hoa tết. Theo ông Dinh, hoa bán đi rồi bị trả lại, nông dân bị động hoàn toàn. “Thà bán không được như mọi năm, nông dân sẽ chủ động tìm cách gỡ vốn. Đến giờ này thì cơ hội gỡ vốn cũng đi qua, nguy cơ lỗ nắm chắc” - ông Dinh nói.
Đối với trường hợp thua lỗ của những người trồng địa lan, ông Trần Huy Đường, chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết thị trường hoa cao cấp trong dịp tết năm nay không như kỳ vọng. “Kinh tế khó khăn nên khách hàng không mặn mà với hoa cao cấp. Doanh nghiệp là khách hàng chính mua địa lan nhưng năm nay lượng khách này giảm khoảng 50% so với cách nay hai năm” - ông Đường nói. Theo ông Đường, người trồng hoa tết phải có cái nhìn khác về vụ hoa tết. Nếu chăm chăm vào kiếm lãi lớn từ trồng hoa tết theo cách như trước thì chắc chắn lỗ nặng. Thay vào đó, nhà vườn nên lập kế hoạch sản xuất cho cả năm.
Tết, cơ hội thăm dò xu hướng thị trường
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc hợp tác và thu mua Công ty Dalat Hasfarm, cho rằng các công ty sản xuất hoa lớn xem vụ hoa tết là vụ hoa thăm dò thị trường và thử nghiệm giống mới, công nghệ hơn là cơ hội kiếm tiền. Theo ông Nghĩa, với cách nhìn nhận như vậy mà Dalat Hasfarm sản xuất ổn định ngay sau dịp tết, không bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường hoa sau tết. Trong dịp tết vừa qua, Dalat Hasfarm bán ra thị trường VN 450.000 chậu hoa nhỏ các loại, hoa cắt cành hơn 1,5 triệu cành hoa cúc và ly ly. Ông Nghĩa cho biết hoa cắt cành vẫn bán chạy với số lượng lớn, doanh thu cao nhưng so với các năm trước thì lượng tiêu thụ chững lại.
Hoa chậu vừa ra thị trường trong hai năm gần đây đã hút hàng và hết hàng trước tết nhiều ngày. Hoa chậu của Dalat Hasfarm là những giống mới hoặc có cải tiến như lan hồ điệp thân thấp, linh lan, ly ly loại thân nhỏ... Các loại hoa mới này đều gây tò mò với khách hàng. Ông Nghĩa phân tích: “Người tiêu dùng trung lưu của VN ngày càng tăng, đối tượng khách hàng này có cá tính, họ chuộng hoa mới để gây ấn tượng với khách thăm nhà nhưng không thể bỏ ra quá nhiều tiền để mua hoa, đặc biệt là thời điểm kinh tế khó khăn”.
Ông Đỗ Văn Ẩn, giám đốc Công ty hoa Ngọc Ẩn, thở phào vì lan hồ điệp chậu nhỏ đã cứu thua cho ông. Ông Ẩn trồng cả hai loại lan hồ điệp và địa lan. Trong lúc địa lan thua lỗ thì lan hồ điệp thắng lớn nên bảo toàn được vốn. Ông Ẩn bảo: “May mắn là tôi có cửa hàng hoa, trong lúc bán tôi quan sát được thị hiếu của người dùng thay đổi. Từ đó tôi điều chỉnh sản xuất”. Theo ông Ẩn, đối với nông dân cần có người định hướng hoặc cung cấp thông tin xu hướng tiêu dùng. Ông Ẩn nói: “Công nghệ trồng hoa phát triển mạnh, giống hoa đổi mới liên tục nên thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi mạnh. Nếu người trồng hoa mù mờ sản xuất theo kiểu cũ, trồng các giống hoa không mới lạ thì lâm vào cảnh may rủi”.
Ông Huỳnh Quốc Dũng, phó giám đốc Công ty CP sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, cho biết cũng dành nhiều sức lực cho vụ hoa tết nhưng không chú tâm thu lời từ vụ hoa này. Cụ thể, trong dịp cuối năm, công ty tung ra bốn loại hoa mới giống nhập để thăm dò thị trường. Ngay sau tết, bộ phận phân tích thị trường rút kinh nghiệm, phân tích tiềm năng để từ đó lập kế hoạch sản xuất cho cả năm. “Vụ hoa tết là khởi động cho cả năm trồng hoa chứ không phải là đích đến cho cả năm. Rõ ràng sau vụ hoa tết, người trồng hoa còn ba vụ hoa nữa. Nếu dồn lực cho vụ hoa nhiều may rủi thì dễ thua lỗ” - ông Dũng nói.
Làng mai Bình Định: đắt đồng ế chợ
Ông Nguyễn Trí Dũng - phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định - cho biết những ngày đầu tháng chạp, những con đường vào làng mai Háo Đức, Thanh Liêm... đều chật cứng xe tải từ các nơi về mua, làng mai tấp nập bán mua với giá cả khá cao. Giá tăng, thương lái đến mua đông nên làng mai cháy hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn đã giữ hàng để đi bán ở các thị trường khác hi vọng giá cao hơn. Điều mà nhiều nhà vườn không lường trước là sức tiêu thụ trong dịp cận tết không tăng như kỳ vọng.
Anh Mai Văn Lợi (ở thôn Thanh Liêm, Nhơn An) cho hơn 60 chậu lên An Khê nhưng bán được 10 chậu với giá rẻ hơn ở vườn, số còn lại phải chở về. “Gần đến giao thừa, họ đến trả 100.000 đồng/chậu, mình thấy tủi thân quá đành phải chở về chăm để dành năm sau” - anh Lợi kể. Anh Lợi cho biết không chỉ mai nhiều mà hoa cúc cũng tràn chợ. Mặc dù những chậu mai của anh là hàng tuyển, hoa nở đẹp cũng không hút được người tiêu dùng. Nhiều xe hàng đi thị trường miền Nam như TP.HCM, Cần Thơ, An Giang... đều bị thất bại nặng do gặp thời tiết lạnh bất thường, mai không nở hoa. Anh Năm, một chủ vườn ở làng mai Thanh Liêm, cho biết gần 200 cây vô TP.HCM chỉ bán được hai chậu. “Nhiều người chở mai đi bán không đủ tiền ăn cơm, vừa chịu lạnh, mất ngủ, vừa lỗ nặng. Có người lỗ gần 40 triệu đồng” - anh Năm cho biết.