Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những ngày qua, mỗi ngày có hàng chục trẻ sốt phát ban nghi sởi đến khám và nhập viện điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - Ảnh: Hoàng Ngọc
Dịch sởi đang có dấu hiệu lây lan nhanh tại Hà Nội.
Do chưa được tiêm ngừa
Vào điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cách đây bốn ngày nhưng bé gái T.T.V. (2 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn còn rất nhiều đám phát ban trên mặt, cánh tay, thân mình. Theo mẹ bé V., bé sốt liên tục 400C, ho nhiều, kèm viêm kết mạc sau khi xuất hiện các nốt phát ban nên gia đình vội đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Cùng phòng bệnh với bé V., một bé 13 tháng tuổi cũng trong tình trạng tương tự: sốt phát ban kèm ho nhiều và bé này cũng sống ở quận Hai Bà Trưng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi đã nhập viện rải rác từ những ngày giáp Tết Giáp Ngọ đến nay. Những ngày nhiều, có đến hàng chục bệnh nhân nghi sởi đến khoa này khám bệnh. Riêng trẻ có dấu hiệu sốt phát ban kèm biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, sốt cao liên tục..., các bác sĩ phải cho nhập viện điều trị nội trú. Gia đình các trẻ điều trị nội trú tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết con em mình đều chưa được tiêm ngừa sởi. Trong đó mẹ bé V. cho biết thời điểm bé 9 tháng tuổi (thời điểm tiêm ngừa sởi) thì bé ốm, sau đó liên tiếp xuất hiện tai biến sau tiêm ngừa các căn bệnh khác nên gia đình ngại cho con đi tiêm phòng.
Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, những ngày qua Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Xanh Pôn đều có trẻ mắc sởi nhập viện điều trị. Bệnh nhân sống rải rác ở các quận huyện Hà Nội, có biểu hiện sốt phát ban kèm theo các biến chứng tiêu chảy, ho, viêm kết mạc, một số có viêm phổi... Dù chưa có xét nghiệm xác định do những ngày vừa qua là Tết Nguyên đán, nhưng các bác sĩ đánh giá dấu hiệu lâm sàng kể trên là đặc trưng của bệnh sởi.
Cảnh báo tiêm ngừa không hiệu quả
Ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - khẳng định văcxin ngừa sởi là văcxin rất lành, sau tiêm trẻ không có sốt hay biến chứng nào, nhưng là văcxin rất khó bảo quản vì rất nhạy cảm với nhiệt độ. Theo ông Phu, văcxin sởi chưa dùng cần bảo quản ở nhiệt độ âm do ở dạng đông khô, khi sử dụng sẽ phải pha hồi chỉnh và bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ 4-80C. Tuy nhiên, văcxin đã pha chỉ sử dụng trong một số giờ nhất định chứ không thể dùng tiêm ngừa qua ngày. “Nếu bảo quản ở nhiệt độ không đảm bảo, trẻ được tiêm tuy không có biến chứng sau tiêm nhưng không được bảo vệ khỏi bệnh sởi nếu có mầm bệnh” - ông Phu cho biết.
Ông Phu cho rằng tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, việc tiêm ngừa sởi chưa đạt tỉ lệ 100%. Còn tại đồng bằng, khoảng một năm nay các tai biến sau tiêm ngừa khiến tỉ lệ tiêm chủng các loại văcxin nói chung giảm sút. “Chúng tôi đang rất quan tâm đến vấn đề khám sàng lọc trước tiêm, đã có quy định về các trường hợp cần hoãn hoặc chống chỉ định với tiêm chủng như trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ có cơ địa mẫn cảm, trẻ đang ốm, sốt hoặc bị suy giảm miễn dịch... để tránh tai biến sau tiêm ngừa. Các tai biến này khiến tỉ lệ tiêm chủng có giảm, dù như tôi đã nói văcxin ngừa sởi là văcxin lành” - ông Phu nói.
Theo Cục Y tế dự phòng, tình hình tại Hà Nội cho thấy bệnh có thể lây lan ra ngoài nhóm năm địa phương đã có dịch từ tháng 1-2014 đến nay gồm Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, TP.HCM do tỉ lệ tiêm ngừa và cả do chất lượng tiêm chủng!
Bên cạnh đó, báo cáo nhanh của ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngày 6-2 cho biết dịch sởi ở Hà Nội đã xuất hiện trở lại sau ba năm không có bệnh nhân. Bệnh nhân sởi đã xuất hiện tại chín quận nội thành Hà Nội, trong đó số lượng nhiều nhất là tại quận Hai Bà Trưng. Về lứa tuổi, Trung tâm Y tế dự phòng cho biết bệnh nhân sởi nhỏ tuổi nhất mới 6 tháng tuổi, cao nhất là 31 tuổi (57,5% bệnh nhân là trẻ em dưới 1 tuổi). Trong đó có 40% bệnh nhân chưa được tiêm ngừa, 12,5% đã tiêm ngừa một mũi. Các trường hợp bệnh nhân là người lớn không rõ về tiền sử tiêm chủng.