Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
( Ảnh minh họa )
Tại đền Tam Giang, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, người dân tấp nập đến đây để cầu phúc, cầu may, xin Phật phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai, phường Nông Trang chia sẻ: “Đã thành thông lệ từ nhiều năm sau thời khắc giao thừa, cả gia đình tôi xuống Đền Tam Giang cầu phúc, lộc, bình an... Mong một năm mới thuận buồm xuôi gió. Lễ chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Song, quan trọng nhất là mỗi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn”.
Từ lâu với người Việt, đi lễ chùa đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi người con đất Việt đều tin rằng, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Chính vì vậy, mỗi khi đặt chân đến chốn linh thiêng này, bất kỳ ai cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh và như được trở về với cội nguồn dân tộc.
Bỏ qua hết những mệt mỏi, bon chen, vất vả của năm cũ, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc là điều mong mỏi của nhiều người khi xuân về. T rong chùa đầy ắp người nhưng ai nấy đều rất trang nghiêm, thành kính. Chị Lê Thị Thu ở phường Gia Cẩm tâm sự: “Năm nào cũng thế, gia đình tôi đều tổ chức đi lễ chùa, trước là những chùa gần nhà, sau đó đi các chùa ở xa. Các con tôi cũng rất thích đến chùa đầu năm để được các đại đức, sư thầy xoa đầu mong một năm mạnh khỏe, học giỏi. Với chúng tôi, đến chùa cũng là tìm đến những giây phút tĩnh tại nhìn lại một năm làm việc và cầu mong một năm mới bình an với toàn thể gia đình”.
Còn tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (khu di tích lịch sử Đền Hùng), từ lúc giao thừa đến ngày mùng 1 Tết đã đông như hội. Trong những ngày đầu năm mới, mọi người lại nô nức tìm về với cội nguồn. Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Đúng 12 giờ 00 phút đêm 30 Tết, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cầu cho xã tắc an khang thịnh vượng trong năm mới. Sau lễ dâng hương, người dân các xã lân cận lại kéo nhau về đây để thắp nén hương thơm dâng lên Vua Hùng, cầu mong cho năm mới mùa màng bội thu… Năm nay mùng 1 Tết thời tiết rất đẹp nên người dân đã có những chuyến du xuân đầu năm đông hơn năm cũ rất nhiều.
Du xuân đầu năm ở Phú Thọ không chỉ ở Đền Hùng mà còn trải dài từ đầu cầu Việt Trì đến hầu hết các huyện trong tỉnh. Tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, lễ hội Đền Tổ Mẫu Âu Cơ năm nay sẽ được tổ chức trong 2 ngày 5-6/2 (tức ngày 6 và 7 tháng giêng năm Giáp Ngọ) với hai nội dung là lễ và hội. Phần hội được tổ chức vào ngày 5/2 (tức mồng 6 tháng giêng) với nhiều hoạt động thể thao mang đậm màu sắc dân gian như kéo co, bắn nỏ, cờ tướng, đẩy gậy, bóng chuyền nam và liên hoan văn nghệ quần chúng. Phần lễ được tổ chức vào ngày 6/2 (tức ngày 7 tháng giêng) với nghi thức rước kiệu, lễ Tổ Mẫu trang nghiêm, trọng thể để tỏ lòng tôn kính và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước hướng về tổ tiên.
Sau lễ hội đền Mẫu, sẽ diễn ra lễ hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông (ngày 12, 13 tháng giêng năm Giáp Ngọ); lễ hội linh tinh tình phộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tổ chức vào ngày 11/2 (tức ngày 12 tháng giêng năm Giáp Ngọ); hội chọi trâu Phù Ninh, huyện Phù Ninh ngày 16, 17/2 âm lịch…
Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, trong tiết trời ấm áp, mọi người như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người trở nên thanh tịnh và bình yên.