Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
( Ảnh minh họa )
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, tại gia đình chị Lò Thị Tuyên, ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, những nhân công vẫn đang cần mẫn bên 7 chiếc máy dệt để hoàn thành nốt những sản phẩm cho phiên chợ cuối năm. Sản phẩm của gia đình chị chủ yếu là khăn thổ cẩm đội đầu, vỏ chăn, vỏ gối, đệm. Bình quân mỗi người dệt được 20 - 30 chiếc khăn một ngày, dệt vải thì được 25 - 30 m vải. Không chỉ cung cấp hàng thổ cẩm cho thị trường trong vùng mà các thương nhân ở Điện Biên, Sơn La cũng tìm đến nhập hàng về bán. Sau Tết, gia đình chị vẫn duy trì đều sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch và rằm tháng Giêng.
Bên chiếc máy dệt, chị Tuyên phấn khởi cho biết: Năm nào cũng vậy, khi mọi người đi sắm Tết là gia đình lại tranh thủ dệt thêm. Bận lắm, nhưng thấy rất vui vì gắn bó với nghề dệt được hơn 40 năm rồi. Nghề dệt này do cha ông để lại nên gia đình phải lưu giữ, truyền lại cho con cháu sau này để không mai một nghề. Thời gian tới, gia đình sẽ cố gắng mở rộng thêm quy mô để tạo thêm việc làm cho chị em trong bản…
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có trên 1.000 hộ dệt thổ cẩm và hình thành các làng nghề dệt truyền thống thu hút khách du lịch. Để khuyến khích, duy trì và phát triển nghề truyền thống, thị xã Nghĩa Lộ chú trọng mở các lớp đào tạo dệt thổ cẩm cho các lao động nữ trên địa bàn.
Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã mở 6 lớp dệt thổ cẩm cho 180 lao động nữ; xây dựng các khu làng nghề truyền thống như thôn Đêu II, xã Nghĩa An; bản Pá Khết; bản Lè, phường Trung Tâm; bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi… Trong đó, xã Nghĩa An là một trong những xã có số hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhiều nhất thị xã với 347 khung dệt, tập trung phần lớn ở làng nghề dệt truyền thống thôn Đêu II.
Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, các hộ đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ đường dệt đến tạo hình các hoa văn trên khuôn vải như hình quả trám, hình hoa ban, hoa chanh... là những hình ảnh tượng trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ đó gửi gắm tình yêu lứa đôi, ý nghĩa sâu sắc về đời sống văn hóa trên mỗi tấm vải thổ cẩm.
Chị Lò Thị Hoàn, ở thôn Đêu II, xã Nghĩa An cho hay, là người con gái Thái, từ khi còn bé chị đã được học nghề dệt thổ cẩm từ mẹ và các chị gái. Sau này chị được tham gia lớp dạy dệt thổ cẩm tại thị xã nên hiện tay nghề dệt của chị rất vững vàng. Chị biết sáng tạo, thêu những hoa văn họa tiết phức tạp hơn trước. Vì vậy sản phẩm của gia đình luôn được khách hàng yêu thích.
Trong triển khai thực hiện đề án thị xã văn hóa - du lịch, thị xã Nghĩa Lộ đã đưa việc duy trì và phát triển nghề dệt là một trong các nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Thị xã tiếp tục hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm; đào tạo những giảng viên chính là những người giỏi về dệt thổ cẩm để truyền dạy cho thế hệ trẻ với phương pháp tiếp cận nhanh nhất, dễ hiểu nhất và truyền dạy bằng cả những kinh nghiệm thực tế cũng như ý nghĩa sâu sắc trong sử dụng màu sắc, hình ảnh trên tấm vải thổ cẩm. Qua đó, tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh, sản xuất thổ cẩm tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để ngày càng mở rộng quy mô, hiệu quả kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn nhất là lúc nông nhàn.
Theo bà Quách Thị Thu Nga, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Nghĩa Lộ, những năm qua, trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa Nghĩa Lộ, chính quyền địa phương luôn vận động tuyên truyền để khôi phục nghề dệt. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế để nghề dệt truyền thống phát triển. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em ở địa phương mà còn nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp về giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây...
Xuân về, những làng nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa Lộ lại rộn ràng náo nức đón các đoàn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về nghề dệt truyền thống. Bên khung cửi, các cô gái Thái say sưa dệt nên sắc màu của mùa xuân, mang mùa xuân về với bản làng.