Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thuốc Mediator, do Tập đoàn Servier (Pháp) sản xuất và bán ra thị trường từ năm 1976, được cho là biệt dược trị bệnh tiểu đường tuýp 2 dành cho những người thừa cân muốn làm ốm. Nhưng có lắm người không có bệnh tiểu đường muốn làm ốm cũng năn nỉ bác sĩ kê "thần dược" này vào đơn thuốc vì được bảo hiểm y tế Pháp hoàn phí 65%.
Thành công rực rỡ ở Pháp, Mediator cũng nổi tiếng ở nước ngoài: 88% sản phẩm đã được xuất khẩu. Tại Pháp đã có 25 triệu bệnh nhân dùng thuốc này trong 33 năm qua. Nói chung, chỉ riêng sản phẩm Mediator đã đem lại 1 tỉ euro (27.492 tỉ đồng) cho Servier.
Một cuốn sách hai bìa khác nhau. Ảnh: CSI
Vấn đề của Mediator là nó chứa hoạt chất Benfluorex thuộc dòng họ Fenfluramine, một hoạt chất bị Mỹ và Ủy ban châu Âu cấm sử dụng từ năm 1997 vì "lợi bất cập hại". Tuy nhiên, Mediator vẫn được phép lưu hành tại Pháp. Tại sao "độc dược" Mediator có thể tồn tại lâu dài một cách phi lý như thế?
Kiểm duyệt
Có một cuốn sách do NXB Dialogues ở Brest ấn hành làm sáng tỏ câu hỏi kể trên có tựa đề Mediator 150 mg, combien de morts? (Mediator 150 mg, có bao nhiêu người chết?) của bác sĩ Irène Frachon, một chuyên gia Khoa Phổi của Bệnh viện Đại học y Brest, vùng Bretagne.
Cuốn sách kể lại cuộc đấu tranh bền bỉ chống Mediator suốt 2 năm của tác giả. Cuốn sách cũng làm sáng tỏ các mối quan hệ bí mật giữa Tập đoàn Servier, chính trị gia và các cơ quan gác cổng y tế.
Tuy nhiên, phát hành ngày 3-6-2010 thì 4 ngày sau có lệnh của tòa án Brest buộc NXB Dialogues dán chồng lên dòng chữ "có bao nhiêu người chết?" trên bìa sách cụm từ "kiểm duyệt". Người yêu cầu xóa cái tựa nhỏ "ăn tiền" đó không ai khác hơn là Tập đoàn Servier. Lý do phản đối của Servier là "nếu sau này thuốc được phép bán lại thì cái tựa nhỏ sẽ gây tổn thất đáng kể cho tập đoàn" (?!)
Một cuốn sách hai bìa khác nhau đương nhiên hiệu quả kinh doanh cũng khác nhau. Charles Kermarec, Giám đốc NXB Dialogues, giận dữ: "Làm như thế chẳng khác nào giết chết cuốn sách". Bởi NXB phải thu hồi 5.000 cuốn đã phát hành, làm lại cái bìa rồi in lại toàn bộ.
Những công việc ấy thật ra không có gì khó về mặt kỹ thuật nhưng việc đưa sách trở lại các quầy sách mới là cả một vấn đề. Việc thay tựa - dù là tựa nhỏ - làm độc giả nghi ngờ ngại mua. "Tập đoàn Servier thật gian trá. Họ đánh chúng tôi một đòn chí tử" – Kermarec than thở.
Thật vậy, cho đến bây giờ, sách bán rất chậm mặc dù nội dung nóng bỏng thời sự và được một số tờ báo lớn như Le Monde, Ouest-France, Le Télégramme, Libération và Le Nouvel Observateur điểm sách một cách nghiêm túc và khách quan.
Nhưng làng báo chuyên ngành y tế lại im lặng đáng sợ. Ngoại trừ tờ Prescrire, một chuyên san y tế độc lập thật sự, tất cả các tờ báo chuyên ngành y tế khác, sống nhờ quảng cáo của Tập đoàn Servier, đều không đăng dòng chữ nào về cuốn sách của nữ bác sĩ Irène Frachon.
Riêng tờ Le Quotidien du Medecin, tờ báo của người thầy thuốc, đăng nguyên văn thông báo của "tập đoàn nghiên cứu Servier" bác bỏ mọi kết luận theo đó thuốc Mediator gây tác dụng phụ nguy hiểm cho tim dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Irène Frachon và thuốc Mediator . Ảnh: Voilà
Nhân vật xuất sắc trong năm
Tác giả Irène Frachon thực sự là ai? Đối với Tập đoàn Servier, đó là một "kẻ đạp đổ nồi cơm" nhưng đối với người dân Pháp, đó là một ân nhân dũng cảm. Bà Frachon, năm nay 47 tuổi, chú ý đến thuốc Mediator vì trước đó, năm 1990, bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân nữ chết vì bị cao huyết áp động mạch phổi sau khi dùng thuốc Isomeride, một loại thuốc làm ốm cũng của Tập đoàn Servier bị cấm lưu hành từ năm 1997.
Năm 2007, bà phát hiện Mediator có họ hàng gần với thuốc Isomeride. Cả năm 2008, theo dõi hồ sơ bệnh lý của hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh dày van tim, bà thấy có mối liên hệ giữa Mediator và van tim bị dày lên.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, bà Frachon làm việc trong sự cô độc vì bà chỉ là một bác sĩ tỉnh lẻ và chẳng mấy ai quan tâm đến công trình nghiên cứu của bà. Bà cũng phát hiện một sự thật phũ phàng trong quá trình hợp tác với các phòng thí nghiệm khác để làm rõ tác hại của Mediator. Đó là "sự lệ thuộc về tâm lý và kiến thức của phần lớn bác sĩ vào các tập đoàn dược phẩm".
Tháng 4 - 2009, cùng với một vài đồng nghiệp, bà Frachon báo cáo với AFSSAPS (cơ quan cấp phép an toàn vệ sinh dược phẩm) trường hợp 15 bệnh nhân mắc bệnh dày van tim sau khi dùng Mediator. Sau báo cáo, AFSSAPS chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thêm. Một kết quả nghiên cứu rò rỉ trên tờ Le Figaro cho biết số người chết liên quan đến Mediator có thể lên đến 2.000 người. AFSSAPS lúc đó mới ra lệnh cấm lưu hành thuốc Mediator từ tháng 11-2009. Ngày 14-6, đến lượt Ủy ban châu Âu cấm sử dụng Mediator trên toàn châu Âu. Một quyết định có vẻ quá muộn vì từ năm 2003, Tây Ban Nha đã cấm nhập khẩu và sử dụng Mediator.
Tuần này, bác sĩ Irène Frachon được một số tờ báo Pháp bình chọn là "Nhân vật của năm 2010" trong lĩnh vực y tế.