Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Hoài niệm hoa sim” - tập truyện giàu kịch tính và đậm chất nhân văn

(14:56:42 PM 27/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Nhà xuất bản Công an Nhân dân vừa cho ấn hành tập truyện ngắn Hoài niệm hoa sim của tác giả Phan Thế Hữu Toàn (Phan Văn Lương) từ một phần tài trợ kinh phí xuất bản của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên.

Với lối trình bày trang nhã, tập sách gồm mưới bốn truyện ngắn dàn trải hơn 170 trang, trong đó phần nhiều truyện viết về đề tài an ninh và quân đội đã được Hữu Toàn khai thác bằng nhiều góc nhìn tinh tế, nhưng rất mộc mạc, giản dị từ văn phong đến hình ảnh, tính cách nhân vật, sự kiện, bối cảnh…Trong mỗi câu chuyện giữa thời chiến cũng như thời bình. Điểm chung nổi bật nhất của tác phẩm Hoài niệm hoa sim là lối hành văn khúc chiết, giàu kịch tính và đậm chất nhân văn.

 

Phan Thế Hữu Toàn

 

Sinh ra ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An - một vùng đất ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển có rất nhiều cảnh đẹp gắn với những truyền thuyết về nàng tiên nữ giáng trần vui chơi múa hát. Miền đất Tuy An quê hương anh còn có những di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng như: Chùa Đá Trắng, Nhà thờ Mằng Lăng, Gành đá đĩa, Đầm Ô Loan, nơi đây cũng là địa chỉ tìm thấy hai báu vật quốc gia là đàn đá và kèn đá Tuy An,…hào khí của vùng đất đã sản sinh anh em nhạc sĩ, nhà thơ nổi tiếng Nhật Lai, Nguyễn Mỹ cùng nhiều nhân tài khác. Và, phải chăng vì thế mà Hữu Toàn đã sớm bộc lộ năng khiếu báo chí và văn học.

 

Là một nhà báo có hơn một phần tư thế kỷ cầm bút, trong đó có gần hai chục năm công tác ở Báo Công an Nhân dân. Ngoại trừ rất nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập văn học, tổng tập báo chí và có cả bài học chính khóa trong sách giáo khoa bậc trung học cơ sở, Hoài niệm hoa sim là tác phẩm thứ tư của riêng anh, nhưng là tập truyện ngắn đầu tay. Ba tác phẩm trước là truyện ký và bút ký văn học - một con số còn rất khiêm tốn bởi tính thời sự, chất phóng sự trong nghề báo đã cuốn hút và chiếm quỹ thời gian của anh.

 

Có thể nói công việc nhà báo của nhật báo Công an Nhân dân với những chuyên đề An ninh thế giới - Văn nghệ Công an và Cảnh sát toàn cầu luôn thu hút sự quan tâm đông đảo độc giả bằng tiêu chí “Nhân văn - tin cậy - kịp thời”, Phan Thế Hữu Toàn không chỉ có điều kiện tiếp cận, khai thác hàng loạt vụ án bằng những góc nhìn khác nhau, mà còn tìm hiểu đời sống, nội tâm của cán bộ chiến sĩ công an với những trăn trở, lo toan. Đó chính là nguồn tư liệu, là vốn sống cần thiết để Hữu Toàn chuyển hóa thành truyện ngắn bằng kỹ năng văn chương dung dị, nhưng giàu kịch tính và đậm chất nhân văn.

 

Đến với Hoài niệm hoa sim, bạn đọc sẽ bắt gặp thượng úy Hưng trong truyện ngắn Đấu trí - một trinh sát hình sự giỏi, nhưng không kiềm chế trước hành vi tráo trở, ngược ngạo của nghi phạm, nên anh mắc sai lầm và phải đối mặt nguy cơ bị khởi tố. Giữa lúc đó, một tay “anh chị” trong giới giang hồ cam kết sẽ khiến nghi phạm rút đơn tố cáo, tự nhận mình vu khống công an, còn thương tích trên người là do đánh nhau với đám khác. Từng đấu trị với nhiều tội phạm, nhưng đến lúc này thượng úy Hưng thức trắng suốt đêm, đấu trí với chính mình. Sáng hôm sau, Hưng đến cơ quan nộp kiểm điểm xin nhận kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân, bởi anh không thể đánh mất nhân cách con người, hạ thấp mình trước đối tượng hình sự chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân, phản bội đồng đội, xúc phạm vong linh người cha từng là một trinh sát hình sự đã hy sinh khi truy bắt tội phạm. Đời sống nội tâm của một trinh sát hình sự được tác giả khai thác trong Bông huệ trắng khi đại úy Thạnh vấp phải rắc rối trước nguồn tin anh không nổ súng bắt giữ Hải “râu” - tội phạm nguy hiểm và cũng là bạn học thời phổ thông.

 

Để giải tỏa rối rắm đó, Thạnh cất công lùng tìm nhiều nơi, nhưng khi tiếp cận khu nhà trọ gia đình Hải “râu” vừa chuyển đang lẩn trốn, thì gặp tình huống bất ngờ - mẹ ruột Hải “râu” qua đời. Thay vì tranh thủ cơ hội đó vây bắt tội phạm, Thạnh tìm mua bó hoa huệ trắng để viếng người mất. Chạm mặt, Hải “râu” đưa tay chờ đợi chiếc còng số 8 tung ra, nhưng đại úy Thạnh từ chối và nhẹ nhàng khuyên tội phạm nên ở nhà lo trọn việc tang cho mẹ. Lối ứng xử tinh tế, nhân văn của người sỹ quan công an đã khiến cho Hải “râu”, một con người lạnh lùng, hung hãn đã phải trở trăn để rồi sau đó quyết định về đầu thú bằng niềm tin yêu cuộc sống.

 

Còn thượng úy Thảo trong “Bình minh xóm Gò” dám bảo lãnh cho một kẻ nát rượu không bị đưa đi cơ sở giáo dục, không chỉ vì nữ cảnh sát này lo ngại ba đứa con nhỏ của sáu Lân lâm cảnh bơ vơ, hư hỏng mà đó cũng là biện pháp nghiệp vụ câu nhử, khám phá một đường dây ma túy lôi cuốn sáu Lân làm chân rết…Xúc động và nhân văn hơn nữa là câu chuyện xoay quanh nhân vật Lượm trong truyện ngắn Lượm. Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi trong ngôi mộ giữa đêm đông xa lắc, Lượm được gia đình nghèo đưa về nuôi dưỡng trưởng thành và là người đầu tiên của làng quê nghèo thi đậu đại học, sau đó trở thành cảnh sát.

 

Trong khi người bạn thân ở quê là học sinh yếu kém, cá tính ngạo mạn khi gia đình trúng đậm vàng hời, nên thành kẻ ăn chơi trác táng, gạt tình, đẩy một cô gái trẻ, đẹp vào vòng xoáy tệ nạn xã hội. Sau khi cùng đồng đội triệt xóa đường dây tội phạm này, Lượm chủ động tìm gặp mẹ cô gái để thuyết phục khai báo mối quan hệ tình cảm của con bà, từ đó không chỉ lật tẩy kẻ chủ mưu chính là người bạn học năm xưa đã đổi tính vì tiền, mà điều bất ngờ là Lượm nhận biết bà mẹ của cô gái đó chính là người đã sinh ra mình…

 

Bìa sách Hoài niệm hoa sim của Phan Thế Hữu Toàn

 

Trưởng thành trong thời bình, nhưng Phan Thế Hữu Toàn vẫn tìm tòi, thử nghiệm mình bằng những sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Nghiệt ngã của cuộc chiến tranh đã khiến cho Bảy Thơ - nhân vật nữ trong truyện ngắn Dì bảy Thơ và Năm Tính - anh bộ đội vào chiến trường Nam Trung Bộ được vài năm đã chia tay nhau khi Năm Tính bị thương nặng sau một trận đánh ác liệt, phải đưa ra miền Bắc điều trị. Lúc đó Bảy Thơ mang thai hai tháng, mẹ ruột ở quê lâm trọng bệnh không thể theo chồng ra Bắc. Mảnh bom trong hộp sọ không gắp ra được, nên sau ngày đất nước thống nhất Năm Tính vẫn trong trạng thái lúc nhớ, lúc quên. Khi người thân tìm được nơi Bảy Thơ sinh sống ở một miền quê heo hút và đưa Năm Tính tới đó thì người phụ nữ ấy đã ra đi.

 

Kịch tính và nhân văn hơn là truyện ngắn Ca mổ hoàn hảo dẫn dắt người đọc xoay quanh câu chuyện về bác sĩ Khiết - người đã lấy máu viết đơn xung phong vào chiến trường Nam Trung Bộ trong chiến tranh. Ở đó, anh đã kết duyên với Hương - nữ chiến sĩ quân giới. Một lần luồn rừng hái nấm, Hương rơi vào vòng vây biệt kích địch, dù bị thương nặng nhưng cô vẫn dũng cảm chiến đấu. Khi đồng đội tiếp cận đưa về tới bệnh xá thì Hương trút hơi thở cuối cùng. Cô hy sinh bỏ lại đứa con gái chưa giáp năm, trong khi gã biệt kích bị thương thoát chết nhờ sự can thiệp kịp thời của bác sĩ Khiết, trong túi áo của gã có tấm ảnh kẻ đã sát hại Hương.

 

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, tình cờ bác sĩ Khiết gặp lại gã biệt kích khi đảm trách ca mổ cấp cứu. Số phận của hắn nằm trong tầm tay, nhưng bác sĩ Khiết không làm trái y đức, trình độ chuyên môn khi nhìn thấy ánh mắt như cầu khẩn của người vợ cùng đứa con bé bỏng của hắn. Và anh thật sự thanh thản, hạnh phúc vì đã thực hiện ca mổ hoàn hảo đối với bệnh nhân từng là kẻ thù trong cuộc chiến hôm qua…

 

Ngoài phần lớn truyện ngắn về đề tài an ninh - quân đội, trong Hoài niệm hoa sim vẫn hiện hữu những kỷ niệm chân quê thấm đẫm tình người ở Bông so đũa. Đằng sau cá tính lạ lẫm khác thường của một kỹ sư lâm sinh là nét sống đẹp của tuổi trẻ trong truyện ngắn Bỏ phố và cảm nhận nỗi đau hạnh phúc của một gã đàn ông vừa thức tỉnh sau cơn nghiện ma túy đang cố gượng dậy tìm lại chính mình từ trong Bất hạnh

 

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên từng nhận xét “Phan Thế Hữu Toàn là nhà báo đi thực tế rất nhiều, từ làng chài ven biển đến miền thôn dã hay những buôn làng vùng cao. Ở đâu anh cũng tìm đến để nghe, thấy, nghĩ và viết”, “Đi nhiều, đọc nhiều, viết đều và viết khỏe đã tạo cho Phan Thế Hữu Toàn một thứ vốn liếng cần thiết trong nghề báo, nghiệp văn”. Hữu Toàn không chỉ viết báo, truyện ngắn, bút ký văn học, biên soạn lịch sử, mà còn làm thơ và đã có nhiều tác phẩm in trên các báo, tạp chí, tuyển tập văn - thơ, đồng thời tự khẳng định mình khi hai lần đoạt giải thưởng: Giải nhì báo chí quốc gia 2010, giải ba báo chí quốc gia về an toàn giao thông 2012 và nhiều giải thưởng nhất, nhì, ba và khuyến khích cuộc thi sáng tác văn học, báo chí ở Phú Yên, Khánh Hòa mười năm qua, trong đó có cuộc thi anh đã đoạt cùng lúc bốn giải thưởng ở ba thể loại truyện ngắn, bút ký và thơ.

 

Sau Hoài niệm hoa sim, mới đây Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành tập bút ký Lịch sử 35 năm Trại giam Xuân Phước do Phan Thế Hữu Toàn biên soạn. Anh cũng vừa hoàn thành bản thảo tập bút ký văn học Chân dung nghệ sĩ tôi yêu, tập thơ Thao thức đôi bờ và đang sắp xếp tài liệu, bối cảnh, bố cục, nhân vật trong chuyên án đấu tranh triệt xóa một tổ chức chống phản động ở vùng nông thôn Phú Yên trong những năm 1978-1981 để chuyển hóa và khởi thảo tập tiểu thuyết đầu tay về đề tài an ninh với dự tựa Mùa gặt.

 

Nghề báo đã tạo cho Phan Thế Hữu Toàn vốn sống phong phú để viết văn và sáng tác thơ, nhưng trong Hoài niệm hoa sim đâu đó bạn đọc vẫn bắt gặp một vài câu chữ lẫn chất báo chí. Dẫu vậy, giữa bộn bề công việc thường ngày của một nhà báo, Phan Thế Hữu Toàn vẫn dành thời gian lao động nghệ thuật bằng sức sáng tạo của mình với nhiều trăn trở, lo toan và khát vọng là điều đáng trân trọng ở người cầm bút chân chính. Trong tiết giao hòa của đất trời đánh thức mùa xuân mới đang về với nhiều dự cảm tốt lành, người viết bài này tin rằng phía trước vẫn còn nhiều thời gian để một nhà báo có niềm đam mê văn chương tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trên những trang viết mới.

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN