Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Gần đây, do giá dầu ăn chính hãng tăng vọt, trong đó nhiều loại tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng - 40.000 đồng/lít, thậm chí có loại lên đến hơn 50.000 đồng/lít, nên các loại dầu ăn dạng hàng xá, không nhãn mác xuất hiện nhiều và được tiêu thụ mạnh nhờ giá rẻ.
Dầu, mỡ xá bán tại khu vực chợ “cháy” TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
Bỏ qua công đoạn tinh luyện
Tại khu nhà lồng chợ Lê Tấn Kế (cạnh chợ Bình Tây, quận 6-TPHCM) và khu vực đường Chu Văn An, Phan Văn Khỏe, quận 6 cũng như tại khu vực chợ “cháy” quận 1 chưa bao giờ dầu xá bán nhiều như hiện nay. Hầu hết dầu được chứa trong các can nhựa 30 lít cũ kỹ, trầy trụa, dơ bẩn, không nhãn mác. Giá bán từ 740.000 đồng đến 800.000 đồng/can (30 lít).
Chủ một cửa hàng bán dầu xá trên đường Chu Văn An cho biết loại hàng này đang tiêu thụ khá mạnh tại TPHCM cũng như “đóng” đi các tỉnh, có ngày không đủ hàng để giao. Phần lớn người bán đều giới thiệu là dầu Tường An nhưng khi chúng tôi thắc mắc sao không có nhãn mác chứng tỏ là dầu Tường An thì người bán giải thích: “Dầu của ai đi chăng nữa cũng đều nhập khẩu từ nước ngoài về vô can cả thôi”.
Tìm hiểu tại các công ty sản xuất dầu ăn có uy tín, chúng tôi được biết theo quy định của Bộ Y tế, các loại bao bì bằng chất dẻo chứa đựng dầu, mỡ, sữa lưu thông trên thị trường chỉ được sử dụng một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người bán dầu ăn xá vẫn sử dụng lại can nhựa nhiều lần...
Theo giới chuyên môn, dầu ăn dạng xá đang được bày bán trên thị trường thường được nhập dưới dạng nguyên liệu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Nguồn dầu này được chứa trong bồn lớn lâu ngày, khi xuất bán được bơm xuống tàu nên không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ bị nhiễm mặn, biến màu khi gặp nhiệt độ cao. Đối với các loại dầu ăn bảo đảm chất lượng thì nguyên liệu khi nhập về sẽ được đưa vào nhà máy để tinh luyện nhằm loại bỏ tạp chất. Ông Biện Thành Tài, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng Công ty Dầu thực vật Tân Bình, thông tin: “Chế biến dầu ăn phải tuân thủ đúng quy trình.
Nguyên liệu dầu nhập về phải đưa qua nhà máy tinh luyện để khử mùi, khử màu, acid béo cũng như loại bỏ các độc tố, tạp cặn cơ học, dư lượng kim loại...”. Trong khi đó, dầu xá thường được nhập về là đóng can và bán trực tiếp ra thị trường. Sử dụng lâu dài loại dầu này ảnh hưởng đến sức khỏe là điều khó tránh khỏi.
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hàng chục ngàn lít dầu ăn nhập lậu từ nước ngoài được chứa trong thùng phuy loại 200 lít. Các thùng chứa này đều bị gỉ sét. Cơ quan chức năng đã gửi mẫu dầu ăn này đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 để kiểm nghiệm chất lượng.
Đáng sợ mỡ nước
Cũng do giá dầu ăn tăng cao nên hiện tượng sử dụng mỡ động vật (chủ yếu là mỡ heo) để chế biến thức ăn, nhất là khu vực kinh doanh ăn uống, đang phổ biến trở lại. Vì vậy, việc kinh doanh mỡ nước cũng khá sôi động. Tại khu vực xung quanh chợ Bình Tây, khu vực đường Chu Văn An, Phan Văn Khỏe hiện bày bán khá nhiều mỡ nước. Loại mỡ này được đóng trong can nhựa 30 lít (không thương hiệu, nhãn mác), giá bán khoảng 18.000 đồng/lít.
Qua tìm hiểu, cho thấy nguyên liệu chế biến mỡ nước là nguồn mỡ heo được thu gom từ chợ đầu mối, các quầy thịt ở chợ lẻ cuối ngày, kể cả ở các lò giết mổ với giá chỉ hơn 10.000 đồng/kg về nấu thành mỡ nước. Nguồn mỡ nước này không chỉ được chế biến từ khu vực phía Nam mà còn được vận chuyển từ các địa phương ở phía Bắc vào TPHCM tiêu thụ.
Thông thường, mỡ heo khi nấu chảy thành nước chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị cô đặc nên các cơ sở chế biến thường sử dụng hóa chất chống kết đông và một số chất phụ gia khác để bảo quản. Nguồn phụ gia trôi nổi này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây hại khó lường. Ngoài ra, theo cơ quan thú y, do nguồn mỡ thu mua từ nhiều nguồn, nhất là từ các lò giết mổ, chợ chiều nên nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, chất bẩn là rất cao. Đây cũng là nguồn lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm...
Nhiều chất độc
Ngoài nguồn nhập khẩu như nói trên, dầu ăn xá còn có cả loại tái chế. Đây là loại dầu ăn được thải ra từ các cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng, quán ăn... được thu gom để tái chế. Nhằm làm “đẹp” dầu ăn đã qua sử dụng, một số người còn sử dụng cả hóa chất khử màu, khử mùi.
TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cảnh báo dầu ăn thải ra nếu sử dụng than hoạt tính - loại dùng trong thực phẩm - để lọc thì không gây hại nhiều cho sức khỏe, nếu dùng than hoạt tính trong công nghiệp để lọc cặn, màu sẽ nguy hiểm cho người sử dụng do chất độc trong than hoạt tính công nghiệp “nhả” ra.
Dầu ăn sử dụng nhiều lần làm cho thành phần hóa học thay đổi như vitamin A, E cũng như các chất dinh dưỡng khác bị phá hủy và xuất hiện chất độc aldehyde, fatty acid oxide khi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, tăng huyết áp. Tích tụ lâu ngày có thể gây bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư. |