Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Câu hỏi 61: Vài nét về yêu sách “đường lưỡi bò”(hay “đường 9 khúc đứt đoạn”) của Trung Quốc?
Đáp: Ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc phản đối việc Việt Nam và Ma-lai-xia nộp Báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, kèm theo công hàm này là một bản đồ thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông (Bản đồ kèm theo).
Bản đồ Trung Quốc đính kèm theo Công hàm gửi Liên Hợp quốc ngày 07 tháng 5 năm 2009
Trong công hàm viết: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó (kèm theo bản đồ).
Bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” kèm theo công hàm ngày 7/5/2009 là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về biên giới biển theo yêu sách đầy tham vọng của mình và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ "đường lưỡi bò" với toàn thế giới.
“Đường lưỡi bò", “đường chữ U" hay “đường chín đoạn"... là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách phi lí của Trung Quốc, chạy sát bờ biển của các nước có chung Biển Đông, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 đến 100 km. Đường này còn chạy sát bãi James Shoal (Tăng Mẫu) của Ma-lai-xia và đảo Natuna của In-đô-nê-xia, đảo Luzong thuộc quần đảo Phi-líp-pin, và chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
“Đường lưỡi bò” ban đầu gồm 11 đoạn. Năm 1953 đường 11 đoạn đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, gần đây nhất là 10 đoạn (4/2013).
Tháng 2 năm 1947, Bộ nội vụ Trung Hoa Dân quốc đã cho xuất bản Bảng tài liệu tra cứu tên cũ của các đảo biển ở Biển Đông, trong đó liệt kê 159 đảo, đá. Sau đó, tháng 1 năm 1948, Bộ Nội vụ nước Trung Hoa Dân quốc công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Nam đảo chư hải vị trí đồ - Bản đồ các đảo trên Nam Hải), tháng 2 năm 1948 bản đồ này được xuất bản chính thức, trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà Trung Hoa gọi là đường hình chữ “U”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông, đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn.
Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại trước Bắc Kinh phải chạy ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước CHND Trung Hoa ra đời, quốc gia này sau đó thay thế Cộng hòa Trung Hoa trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp quốc. Năm 1949, CHND Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa ra được tọa độ chính xác của các đường trong yêu sách.
Ảnh tư liệu
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.
Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.