Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều năm trước, khái niệm “làng ung thư” bắt đầu được nhắc tới khi có hàng trăm bài báo phản ánh những cái chết liên tiếp, trải dài trong cả chục năm tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao - Phú Thọ. Theo thống kê, ở Thạch Sơn, số người chết vì ung thư cao nhất cả nước.
Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hằng ngày vẫn nhả đầy khói mang mùi khó chịu
Sau đó, nhiều đoàn chuyên gia môi trường đã về Thạch Sơn để đánh giá thực trạng. Nhiều giải pháp, nhiều lời hứa đã được đưa ra với người dân. Bà con Thạch Sơn ngày ngày mong ngóng một sự thay đổi để con cháu mình được sống trong môi trường trong sạch. Thế nhưng...
Vẫn như ngày nào
Theo nhẩm tính của những người cao tuổi ở Thạch Sơn, từ đầu năm 2010 đến nay, căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 người trong làng này.
Con đường dẫn chúng tôi vào xã Thạch Sơn trải đầy bụi bặm do xe ben cỡ lớn ngày đêm ra vào chở đất.
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nằm song song với khu dân cư đông đúc, gồm cả trường tiểu học và THCS Thạch Sơn. Hay tin chúng tôi đến, người dân kéo tới để bày tỏ bức xúc. Ai cũng mang nỗi lo sợ về căn bệnh ung thư hao tiền tốn của mà vẫn khó thoát khỏi cái chết.
Ông Trần Văn Thu, nhà ở khu 1 xã Thạch Sơn, quản trang nghĩa trang xã Thạch Sơn, cho biết mùi khói từ nhà máy của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thoát ra vẫn rất kinh khủng.
“Môi trường hiện nay còn độc hại hơn trước, khói nhà máy đã độc rồi, giờ lại thêm mùi phân lân nữa thì làm sao mà chịu nổi! Cây cối chết héo dần, trẻ con đi học lúc nào cũng phải có khẩu trang. Mỗi khi nhà máy nhả khói, nếu nặng mùi quá thì bố mẹ tự cho con nghỉ học” – ông Thu bức xúc.
Tại một trang trại nuôi cá, ông Trần Ngọc Độ, năm nay đã ngoài 50 tuổi, phàn nàn: “Môi trường xung quanh giờ còn có mùi khó chịu hơn trước do nhà máy mới có thêm xưởng phân lân nung chảy.
Cứ hôm nào họ đốt là y như rằng người tôi cảm thấy khó thở, đau bụng, tức ngực lắm, vì mùi chủ yếu là lưu huỳnh”. Chúng tôi giật mình bởi câu nói nhẹ tênh của ông: “Mấy ông chủ lò gạch ra đi vì ung thư hết rồi”.
Cách đây vài hôm, bà Đỗ Thị Hồng ở khu 1 cùng vài người dân do chịu không nổi mùi khói đã trực tiếp tìm sang nhà máy để phản ảnh nhưng không gặp lãnh đạo.
Bà Hồng bảo cứ tầm 16 giờ, khi gió mạnh, mùi thối tỏa ra cực kỳ khó chịu, khói thì phủ trắng xóa. Hiện nhà bà Hồng cũng đang có mấy người bị ung thư đợi chết. Bố bà cũng là nạn nhân của căn bệnh này và đã qua đời cách đây gần 20 năm.
Bà Trần Thị Thắng, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, cho rằng môi trường có tốt hơn cách đây vài năm nhưng vài tháng trở lại đây đã xuất hiện mùi khó chịu, hăng hắc.
“Hôm nào mùi nặng, mở cửa ra cứ như ngồi cạnh đống phân ấy” - bà Thắng cho biết. Theo bà Thắng, Thạch Sơn có khoảng 7.500 nhân khẩu hằng ngày thường xuyên hít thứ mùi này.
Còn trên 50 người ung thư
Ông Q.V.H, bị ung thư gan giai đoạn cuối, đã nhiều lần ăn gan cóc sống để cầu hết bệnh. Ảnh: Xuân Trung
Ông Quản Văn Lộc, nguyên trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn, nổi tiếng bởi cuốn “sổ tử” ghi lại rành mạch những cái chết của người dân sống tại đây. Theo con số mà ông nắm được và ghi lại, hiện Thạch Sơn còn trên 50 người bị ung thư, trong đó khoảng 6-7 người đang chờ chết.
Đi dọc các con đường trải bê tông trong xã Thạch Sơn, nhìn người dân ở đây, chúng tôi không khỏi ái ngại. Trông người nào cũng mệt mỏi, uể oải, dáng vẻ yếu ớt, nhợt nhạt.
Theo tính toán của các nhà khoa học đã công bố trước đây, mỗi năm, Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thải ra khoảng 4.706 tấn khí HCl và 2.575 tấn HF, còn lượng SO2 tùy thuộc vào chất lượng công nghệ sản xuất axit sunfuric. Tất cả các khí này khi gặp hơi nước đều tạo axit và đều là những loại khí thải độc hại gây ung thư.
Nhà máy Lâm Thao vẫn đang xả khói nghi ngút. Cạnh đó, nhà máy phân lân nung chảy cũng đang “đua sức” cùng hàng trăm lò gạch tồn tại từ nhiều năm nay mài mòn dần sức khỏe người dân Thạch Sơn.
Theo bà Trần Thị Thắng, ô nhiễm đã từng khiến 14 tấn cá ở Thạch Sơn chết dần chết mòn trong khoảng 5 năm. Dù nhà máy có một bãi chứa ngay cạnh và cho nhiều chất thải ra đó nhưng gặp mưa lớn, nước ô nhiễm trôi xuống đồng ruộng làm cá, lúa, cây cối chết hết.
“Khi còn làm ở xã, chúng tôi đã kiểm tra và làm công văn mời lãnh đạo nhà máy cùng đi giám sát kiểm tra. Họ hứa sẽ có điều chỉnh cường độ vận hành và đầu tư thêm cơ sở vật chất để giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, đến giờ tôi thấy vẫn đâu vào đấy” - bà Thắng nói.
Từ ngày Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xây dựng thêm những chiếc máy phân lân nung chảy, khói bốc ra càng nhiều và nặng mùi. “Thực tế, về mặt xã hội, phát triển kinh tế được như thế này cũng là nhờ sự phát triển của nhà máy. Tuy nhiên, kéo theo đó là thực trạng cuộc sống người dân bị đảo lộn. Nhiều loại bệnh tật, nhất là ung thư gan, phổi, vòm họng... đã xuất hiện” - bà Thắng lo lắng.
Ăn gan cóc cầu may Chúng tôi cố tìm gặp những người đang chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng không ít người đã tránh mặt. Họ kiêng gặp người lạ và cũng sợ lên báo. Ông Quản Văn Lộc tiết lộ với chúng tôi chuyện nhiều người bị ung thư gan giai đoạn cuối nghĩ đằng nào cũng chết nên liều mình ăn gan cóc sống để cầu may. Trong đó, ông Q.V.H, nhà ở khu 7, bị ung thư gan cách đây 2 tháng, đã nhiều lần bắt cóc lấy gan và đứng ở cổng Bệnh viện TP Việt Trì ăn sống để nhỡ chẳng may bị ngộ độc thì khiêng vào cấp cứu luôn. “Sự thật đau lòng là thế!” - ông Lộc thở dài. |