Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi
Chỉ vào một em bé 6 tháng tuổi đang điều trị tại bệnh viện vì tắc lệ đạo, ông nói: "Bé An này bị tắc ở ống lệ mũi, nhưng do phát hiện muộn nên có khả năng bị viêm túi lệ mãn tính". Khi vào viện, bé thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt nề nhẹ và căng, ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Chỉ cần điều trị muộn một chút, tình trạng viêm mãn tính có thể tiến triển thành một đợt viêm cấp tính, gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây rò, thoát mủ ra ngoài da.
Lệ đạo là hệ thống ống có cấu tạo đặc biệt, bắt đầu bằng điểm lệ ở góc trong mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới. Hệ thống này bao gồm lỗ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi. Nước mắt sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được dồn về góc trong mắt. Từ đây, nước mắt được dẫn qua lệ đạo, xuống mũi. Vì vậy, khi khóc, lượng nước mắt được dẫn qua lệ đạo tăng lên, gây chảy nước mũi.
Một trường hợp tắc lệ đạo ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Đức Hiệp.
Do đặc điểm giải phẫu là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc. Biểu hiện dễ thấy nhất khi tắc lệ đạo là chảy nước mắt thường xuyên, kể cả khi không khóc. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh thiếu niên, người cao tuổi. Trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ thiếu tháng, cũng có thể bị tắc lệ đạo, gọi là tắc lệ đạo bẩm sinh, thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc. Hầu hết các trường hợp này có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần.
Ngoài ra cũng có trường hợp tắc lệ đạo do chấn thương vùng mắt, xoang hoặc sau các phẫu thuật ở xoang hàm. Các viêm nhiễm mãn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc cũng có thể gây chít hẹp lệ đạo.
Không thể tự chữa
Do bệnh tắc lệ đạo ban đầu không có triệu chứng rõ rệt nên phần lớn phụ huynh đưa con đến khám khá muộn, khiến nhiều trẻ bị biến chứng vĩnh viễn ở mắt.
Các bác sĩ khuyến cáo, với bệnh tắc lệ đạo bẩm sinh, khi phát hiện trẻ hay chảy nước mắt, cần đưa đi khám để các bác sĩ xác định nguyên nhân, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glaucoma bẩm sinh, viêm trong mắt. Biện pháp điều trị đơn giản nhất là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Trong đa số các trường hợp, lệ đạo sẽ thông hoàn toàn khi trẻ được điều trị bằng biện pháp này.
Đến khi trẻ được 2 - 3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt, các bác sĩ có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý rằng thời điểm để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi. Khi trẻ lớn hơn, kết quả điều trị bằng cách trên sẽ rất thấp. Bệnh nhân thường phải chờ đợi để có thể làm phẫu thuật, tạo nên đường thông lệ đạo mới.
Với bệnh tắc lệ đạo mắc phải, việc bơm thông lệ đạo hầu như không có kết quả. Bệnh nhân thường được phẫu thuật để tạo đường dẫn nước mắt mới từ mắt sang mũi. Các bác sĩ có thể đặt ống silicon để quá trình tạo đường thông mới dễ dàng hơn. Phẫu thuật sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, hết viêm nhiễm, mủ nhầy ở túi lệ. Nếu không thể mổ tạo đường thông được, có thể mổ cắt túi lệ để loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng gây áp xe túi lệ. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt suốt đời.