Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vịt bầu chỉ có ở vùng đất Phủ Quỳ (bao gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn).
Ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Cổ vịt bầu rất ngắn, trông lừ khừ nhưng chạy rất nhanh, ưa hoạt động và khéo lẩn lút. Chúng giỏi kiếm thức ăn ở các khe suối, đồng ruộng. Vịt bầu vùng Phủ Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, gió Lào.
Tuy nhiên, thực khách nhớ nhất vịt bầu ở chất lượng thịt thơm ngon, vị ngọt. Các nhà chăn nuôi đánh giá đây là giống vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.
Đứng trên trại vịt của mình, ông Vi Văn Định, một nông dân xã Quang Phong cho hay, vịt bầu được người dân tộc Thái tại 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn (huyện miền núi Quế Phong) nuôi đã lâu đời. Mỗi gia đình chỉ nuôi 10 - 15 con để làm thực phẩm. Khách quý tới thăm, thế nào cũng được ăn thịt một vài con.
Vịt Bầu Quỳ - đặc sản quý của miền Tây xứ Nghệ
Ông Định nói, sở dĩ thịt vịt bầu rất ngon là do được nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu là cá, tép dưới khe suối, họa hoằn mới được gia chủ cho ăn thêm ít vỏ trấu, sắn, thóc. Đặc điểm khí hậu đặc biệt (mùa đông lạnh, mùa hè không quá nóng) giúp giống vịt bầu phát triển.
Hiện nay, tổng đàn vịt bầu của xã có khoảng trên 5.000 con. Giá bán chỉ từ 120-150 ngàn đồng/kg, nhưng muốn mua được không phải dễ. Có khi đi lùng khắp bản làng mà chẳng ai chịu bán, vì hầu hết bà con nuôi để phục vụ gia đình.
Nằm cạnh Quang Phong, Cắm Muộn là xã nghèo nhưng phong trào nuôi vịt bầu không kém. Đây cũng được xem là cái nôi của giống vịt bầu Phủ Quỳ. Ông Lữ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã nói, đã lên vùng núi này mà không được ăn món vịt bầu thì xem như chưa cảm nhận hết được cái tình, cái nghĩa của đồng bào.
Và quả thực, những người từng được làm khách quý ở Quế Phong phải gật gù công nhận rằng, phải ngược lên vùng đất sương muối gió Lào mới thấy thỏa lòng với hương vị ấy. “Trong đề án phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đang vận động người dân đưa giống vịt này trở thành hàng hóa. Bởi đây là hướng đi bền vững để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân của xã. Hiện xã đang có 2 lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12.000 con”- ông Bình nói.
Ông Thái Diệu được bản làng miền tây xứ Nghệ coi như một vị cứu tinh của giống quý này. Các hộ gia đình có tập quán chăn nuôi 5 - 10 con/hộ, khi các nhà hàng đặc sản đổ xô lên rừng săn lùng, các gia đình ồ ạt bán, đẩy giống vịt quý đến nguy cơ bị xóa sổ. Thời điểm đó, ông Thái (quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành) lên vùng đất này lập nghiệp. Ông Diệu và vợ đã tìm cách khôi phục lại đàn vịt và bảo vệ giống vịt này cho địa phương.
Sau đó, doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu được thành lập chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Phủ Quỳ thuần chủng, chất lượng cao; mỗi tháng ông Diệu xuất được khoảng 24.000 con vịt giống thuần chủng. Vịt bầu đã đi vào các nhà hàng, quán ăn tại một số thành phố lớn.