Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh là người lành mang vi khuẩn hoặc người bị bệnh nhiễm khuẩn với các tác nhân gây bệnh đa kháng, là những nguồn gây bệnh cho các bệnh nhân khác và cho cả môi trường bệnh viện. Quá trình lây lan bệnh nhiễm thường qua tay nhân viên y tế, những người chăm sóc và điều trị cho người bệnh, qua môi trường và thiết bị bị nhiễm. Nghiên cứu cho thấy, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện từ 7-15 ngày đồng thời làm tăng việc sử dụng thuốc kháng sinh, chi phí điều trị và tử vong. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình lây nhiễm các bệnh đa kháng ngày càng tăng nên kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc bệnh nhân.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, xác định đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành, năm 1997 Bộ Y tế đã ban hành quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quy chế chuyên môn của kiểm soát nhiễm khuẩn trong quy chế hoạt động của các bệnh viện. Năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18 về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây là cơ sở quan trọng để các bệnh viện triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này.
Đến năm 2013, kiểm soát nhiễm khuẩn được đưa vào trong bộ 83 tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện. Cụ thể gồm các tiêu chí như: thiết lập và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng và hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; triển khai chương trình và giám sát tuân thủ rửa tay; đánh giá, giám sát và triển khai kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; chất thải rắn bệnh viện được quản lý chặt chẽ, xử lý an toàn và tuân thủ theo đúng quy định; chất thải lỏng bệnh viện được quản lý chặt chẽ, xử lý an toàn và tuân thủ theo đúng quy định. Đây là những tiêu chuẩn bao quát hết mọi khía cạnh của chất lượng bệnh viện và chiếm tỷ trọng cao trong bộ 83 tiêu chí đánh giá. Theo đó, nếu bệnh viện không đạt yêu cầu các tiêu chí về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện thì sẽ không được đánh giá là bệnh viện có chất lượng.
Theo Giáo sư Didiet Pittet, Giám đốc Chương trình an toàn bệnh nhân toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, việc kiểm soát nhiễm khuẩn được Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu và được thực hiện trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới mới bắt đầu phát động chương trình “chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn”, nhằm chăm sóc an toàn người bệnh thông qua cải thiện việc vệ sinh tay trên toàn thế giới. Đến năm 2013, hơn 130 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc đã cam kết hỗ trợ thực hiện các hành động để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, tương ứng với 93,5% dân số thế giới. Trong 5 năm từ 2009-2013, hơn 16.000 bệnh viện đến từ 169 quốc gia đã tham gia sáng kiến xây dựng với thông điệp "Save Lives: Clean your hands" (Hãy bảo vệ cuộc sống của bạn bằng việc rửa sạch tay).
Qua khảo sát và nghiên cứu khoa học của các chuyên gia y tế thế giới, có 5 thời điểm được khuyến cáo cho các nhân viên y tế cần vệ sinh tay như: trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật sạch (vô trùng), sau khi tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, sau khi tiếp xúc bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với môi trường xung quanh bệnh nhân. Đây là những thời điểm hiện diện cả 3 yếu tố: bệnh nhân, nhân viên y tế và chăm sóc hoặc điều trị có tiếp xúc với bệnh nhân.