Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhận biết nhiễm xạ - cách nào?

(17:46:40 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -TS. BS. Hoàng Kim Ước, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trao đổi về việc làm thế nào để nhận biết người có biểu hiện nhiễm xạ và cách sử dụng thuốc phòng chống nhiễm xạ.

>> Sẵn sàng kiểm tra bụi phóng xạ trên người



Mặt nạ lọc phóng xạ Iodine-131 tại Viện KH&KT Hạt nhân, Hà Nội, một trong những thiết bị chuyên dụng xắn sàng cho ứng cứu sự cố hạt nhân ở Việt Nam (Ảnh: Quốc Dũng)


Việt Nam đang lên các phương án phòng chống các nguy cơ nhiễm xạ từ những người  trở về từ Nhật Bản. Xin ông cho biết những biểu hiện bên ngoài của người có dấu hiệu bị nhiễm xạ là gì?

 

TS. BS. Hoàng Kim Ước: Người bị nhiễm xạ cấp có biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào liều lượng hấp thụ và loại phóng xạ, cũng như phụ thuộc phần cơ thể bị phơi nhiễm. Các biểu hiện lâm sàng liên quan đến tổn thương ba cơ quan chính của cơ thể là hệ thống tiêu hóa, tủy xương, và hệ mạch máu thần kinh. Tùy theo loại phóng xạ và liều lượng phóng xạ hấp thu, cũng như phần cơ thể bị phơi nhiễm sẽ quyết định biểu hiện lâm sàng gồm bốn giai đoạn.

 

Giai đoạn tiền triệu, xuất hiện sau vài giờ đến bốn ngày sau khi cơ thể phơi nhiễm phóng xạ và giai đoạn này kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Các biểu hiện thường thấy trong giai đoạn này là buồn nôn, nôn, mất ngủ và tiêu chảy.

 

Giai đoạn muộn tiếp theo giai đoạn tiền triệu kéo dài từ hai đến sáu tuần và thường không có triệu chứng. Giai đoạn bệnh tiếp theo giai đoạn muộn. Biểu hiện khác nhau tùy cơ quan bị tổn thương. Giai đoạn cuối, có thể tử vong hoặc hồi phục là biểu hiện cuối của nhiễm xạ cấp.

 

Có thể uống thuốc phòng

 

Báo chí mấy hôm nay đưa tin Chính phủ Nhật Bản phát cho nhân dân thuốc Potasium Iodide (KI) để phòng chống phóng xạ. Xin ông cho biết cơ chế hoạt động hay tác dụng của loại thuốc này.

 

Potassium Iodide (KI) ức chế tuyến giáp hấp thu i-ốt phóng xạ vì vậy sẽ ngăn chặn quá trình chiếu xạ vào tuyến giáp và làm giảm tổn thương tuyến giáp. Tác dụng của KI phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và cân bằng i-ốt trước đó. Dùng một lượng lớn i-ốt sẽ hòa loãng lượng nhỏ i-ốt phóng xạ bị nhiễm vào cơ thể vì vậy sẽ giảm thiểu đáng kể lượng i-ốt phóng xạ bị bắt vào tuyến giáp.

 

Như vậy KI là loại thuốc đặc trị để chống nhiễm xạ?

 

Hiện nay trên thế giới chủ yếu sử dụng loại thuốc này. Tác dụng này rất nhanh, chỉ cần 30 phút sau khi uống i-ốt đã đạt được hiệu quả ức chế hấp thu i-ốt phóng xạ vào tuyến giáp. Nếu sử dụng i-ốt  một hoặc hai giờ trước khi bị nhiễm xạ thì hiệu quả bảo vệ vượt quá 98%. Hiệu quả bảo vệ sẽ giảm đi nhanh chóng nếu uống i-ốt sau khi nhiễm xạ.

 

Nếu uống sau nhiễm xạ một giờ thì hiệu quả còn 90%. Uống sau hai giờ, hiệu quả còn 84%. Uống sau ba giờ, hiệu quả chỉ còn 60%. Tuy nhiên nếu bị nhiễm xạ quá ba giờ, vẫn nên uống KI vì nó vẫn sẽ làm giảm lượng i-ốt phóng xạ hấp thu vào tuyến giáp.

 

Theo ông, cần lưu ý gì khi sử dụng loại thuốc đặc trị KI này để chống nhiễm xạ?

 

Để bảo vệ tuyến giáp bị nhiễm xạ có hiệu quả, cần chú ý ba điểm. Trước hết là liều KI sử dụng phải cao. Viên KI có hàm lượng 130 mg (hàm lượng i-ốt là 100 mg). Sử dụng một lần duy nhất. Người trưởng thành 100 mg i-ốt.  Trẻ em dưới 13 tuổi 50 mg i-ốt.  Trẻ em dưới ba tuổi 25 mg i-ốt.  Viên KI được hòa tan trong nước, trong sữa hoặc nước hoa quả để dễ uống. Uống sau khi ăn.

 

Thứ hai,  I-ốt dùng tốt nhất là trước khi bị nhiễm xạ. Nếu không thể thì dùng ngay sau khi bị nhiễm xạ hay dùng ngay lập tức sau đó.

 

Thứ ba, liều i-ốt duy nhất có thể đủ để dự phòng cho cơ thể. Tuy nhiên có thể dùng lặp lại tùy theo liều phóng xạ bị nhiễm trước đó và khoảng thời gian bị phơi nhiễm xạ.

 

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mức can thiệp (dùng i-ốt) chỉ khi tuyến giáp nhận liều xạ tới 100 mGy. Trong trường hợp rò rỉ (nổ) phóng xạ do nhà máy hạt nhân thì mức can thiệp (dùng i-ốt) có thể thấp hơn mức trên.

 

Để dự phòng bằng i-ốt có hiệu quả thì viên KI phải sẵn có và ngay lập tức phải được phân phát cho những người sống ở trong và gần vùng phơi nhiễm xạ. Cần cách ly những người bị phơi nhiễm xạ, hạn chế ăn, chỉ nên uống sữa và uống i-ốt.

 

Uống thừa không đáng lo

 

Trong trường hợp cơ thể đã đủ lượng i-ốt, thì thuốc KI uống vào sẽ thừa. Liệu điều đó có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ không?

 

Thừa i - ốt không có gì đáng sợ. Đối với người bình thường, nếu thừa, cơ thể sẽ tự đào thải qua đường nước tiểu.

 

Một số rất ít, cơ thể không thích nghi được sẽ xảy ra tác dụng phụ, nhưng hoàn toàn có thể điều trị được. Trong trường hợp này, so sánh việc phòng tránh nhiễm xạ với việc cơ thể có một số tác dụng phụ nhưng hoàn toàn có thể điều trị được thì thừa còn hơn thiếu.

 

Bệnh viện Nội Tiết Trung ương có sẵn sàng tiếp nhận những người từ Nhật Bản trở về Việt Nam vẫn muốn kiểm tra tình hình sức khỏe xem mình có biểu hiện nhiễm xạ?

 

Bệnh viện chúng tôi không có đủ điều kiện để làm việc này. Ngay như các cán bộ bệnh viện làm việc ở những bộ phận sử dụng tia xạ trong điều trị bệnh cũng đều phải đeo một thẻ có thiết bị đo xạ. Định kỳ có đơn vị chuyên môn đến lấy mẫu kiểm tra xem mức xạ có vượt ngưỡng quy định không. Chứ bản thân bệnh viện không thể tự kiểm tra, đánh giá được.

 

Hơn nữa, ở Việt Nam, chưa xảy ra trường hợp nào mắc bệnh nội tiết do nhiễm xạ. Ngay như bệnh ung thư cũng có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do nhiễm xạ mà phát bệnh.

 

Cám ơn ông.


Vụ nổ lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân xảy ra năm 1986 tại Chernobyl, Ukaine đã tung vào khí quyển 1019 Bq (đơn vị đo lượng đồng vị phóng xạ) đồng vị phóng xạ, trong đó bao gồm cả 131I, 133I, tellurium, 132I. Vụ nổ hạt nhân này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người  bị nhiễm xạ sống tại Chernobyl, phía bắc Ukrina, phía nam Belarus, và vùng Bryansk và Kaluga thuộc phía nam nước Nga.

Sau vụ nổ lò phản ứng hạt nhân được bốn năm, tỷ lệ trẻ em bị ung thư tuyến giáp tăng vọt, bắt đầu tăng từ 1990, tăng cao nhất năm 1995, và sau đó giảm dần. Theo báo cáo ghi nhận ung thư trong 15 năm tại Belarus (nơi bị ảnh hưởng phóng xạ nặng nhất), tỷ lệ trẻ em bị ung thư tuyến giáp tăng 87,8 lần, trẻ tuổi dạy thì tăng 12,7 lần, người trưởng thành tăng 5,1 lần. Sau khi nhiễm xạ thì tỷ lệ bướu giáp nhân cũng xuất hiện nhiều hơn nhưng không có con số thống kê chính thức.


Theo Lê Kiều Oanh/TP