Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Báo cáo chỉ ra, việc thay đổi quy hoạch các bậc thang thủy điện thời gian qua chưa xem xét đến hiệu quả tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác tổng thể nguồn nước, điển hình như bậc thang thủy điện Đồng Nai 2 và Đồng Nai 6.
Thủy điện xả lũ, lỗi tại ông trời
Đây là thủ phạm làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông này, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của một số Nhà máy nước đặt tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và Nhà máy nước Thủ Đức (TPHCM). Nguyên nhân là bởi nguồn nước phía thượng lưu sông bị chặn bởi các công trình thủy điện, không đủ nước cấp cho khu vực hạ lưu đẩy nguồn mặn ra xa.
Dẫn lời ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng Dự báo Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), báo Tiền Phong cho biết xâm nhập mặn ở sông Đồng Nai thường xuyên hơn, tiến sâu hơn sau khi có hệ thống các bậc thang thủy điện.
Trước đây, xâm nhập mặn trung bình tiến sâu khoảng 40km. Nay có thể vào sâu đến 50km, cao điểm vào tháng 3, 4 – trước mùa mưa, độ mặn ở mức ba đến bốn phần nghìn. Nguyên nhân là triều cường kết hợp cùng với hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai làm mức nước ở hạ lưu giảm xuống về mùa khô.
Báo cáo cũng chỉ rõ, việc thiếu các quy định cụ thể trong xây dựng và vận hành hồ chứa thủy điện đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực như làm thay đổi chế độ thủy văn, gia tăng ô nhiễm tại hạ lưu các sông, thậm chí gây ra những nguy cơ về địa chấn, động đất kích thích.
Mà cụ thể động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà Mi, Quảng Nam) chính là hiện tượng tiếp theo của chuỗi các trận động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực này, sau khi xây dựng thủy điện.
Ngoài ra, việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác thiếu sự xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến các hệ sinh thái và hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên các lưu vực sông.
EVN sẽ nói gì?
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, từ đầu năm 2013 đến nay, bão lũ đã làm 264 người chết và mất tích, 800 người bị thương, gần 12.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng…
Tại miền Trung, chỉ tính trong ngày 16/11/2013, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết đã có 15 thủy điện trong khu vực đồng loạt xả lũ, làm 30 người chết.
Dân thiệt đơn thiệt kép từ việc xả lũ của các thủy điện, lãnh đạo các tỉnh đều khẳng định: Qua kiểm tra ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào… đều được vẽ biểu đồ quá trình lũ và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ.
Ngày 25/11/2013, Bộ Công Thương làm việc với địa phương và cho biết: Nhiều đại biểu đã có đánh giá chung là hồ thủy điện góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ.
Nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra lũ lụt tại khu vực này vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.
Trong khi đó, báo cáo của EVN cũng cho rằng việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt.
Thậm chí các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.
Không chấp nhận lý do này, nhiều địa phương cho biết thủy điện xả lũ không báo cho dân, khiến dân không kịp trở tay.
Trước báo cáo lần này của Bộ Tài nguyên Môi trường, chưa rõ EVN sẽ trả lời dư luận ra sao?