Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện nay, đồng bào người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình qua các điệu múa. Ảnh: TRẦN HẢI
Ba Vì nằm cách trung tâm thành phố khoảng 60 km về phía tây bắc, dưới chân núi Tản Viên. Đây là xã duy nhất của Thủ đô có 98% số dân là đồng bào dân tộc Dao, nhánh Dao Quần chẹt (được phân biệt dựa trên đặc điểm trang phục), một trong những nhánh người Dao ở Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đồng bào người Dao nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình.
Tết "Năm cùng" của người Dao thường diễn ra suốt tháng Chạp. Để chuẩn bị đón Tết, Trưởng bản cùng các già làng trong thôn ấn định ngày tổ chức Tết làng, người Dao gọi là "Chuổng miền", thường là vào khoảng mồng 1 đến mồng 5. Trong ngày Tết làng, các gia đình sẽ cùng góp lễ vật gồm có gà, lợn, gạo, rượu... Có hai thầy mo cúng tại nhà ông trưởng bản và bốn thầy mo đến miếu làng làm lễ, cảm ơn và xin phép tổ tiên và các vị thánh, thần cho phép làng tổ chức Tết. Sau các nghi thức cúng tế, mọi người cùng tập trung tại nhà Trưởng bản cùng ăn Tết làng, khởi đầu cho một "mùa Tết" ấm cúng.
Tổ chức Tết làng xong, bà con người Dao Quần chẹt bắt đầu ăn Tết tại gia đình. Thứ tự tổ chức ăn tết cũng rất đặc biệt. Các gia đình người Dao có "nhà tổ" (bàn thờ làm bằng gỗ để ở góc nhà) thường tổ chức trước, sau đó các gia đình khác sẽ tổ chức sau. Những gia đình có nhà tổ thường có ba hoặc năm thầy cúng, còn gia đình bình thường chỉ có một thầy. Đồ lễ gồm thủ lợn, gà, vịt, ngan... Trong lễ cúng, người ta thường để năm cái chén và một chai rượu (ngụ ý mời ông bà, tổ tiên về dự tết với gia đình). Sau nghi thức cúng tế tổ tiên, mọi người quây quần bên mâm cỗ uống rượu, chúc gia chủ sang năm mới gặp nhiều may mắn.
Mâm cỗ Tết của người Dao Quần chẹt thường được bày trên mâm lót lá chuối. Vào cỗ, thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi cao nhất và được phép ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái và anh em nội ngoại, đây cũng là một nét văn hóa độc đáo của bà con người Dao. Tết "Năm cùng" của bà con người Dao xã Ba Vì cứ tuần tự diễn ra từ nhà này sang nhà khác và kéo dài hết tháng Chạp.
Trong tháng Tết, mọi hoạt động đều diễn ra vào ban ngày. Khi đêm xuống, bà con người Dao lại tụ họp lại cùng học chữ của dân tộc Dao không chỉ nhằm bảo tồn lưu giữ bản sắc của dân tộc mình mà còn mang ý nghĩa giáo dục con cháu về đạo làm người, hướng về cội nguồn, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, luôn bênh vực cho lẽ phải, tránh xa cái ác, cũng như cách đối nhân xử thế và biết quý trọng giá trị lao động.
Sau Tết "Năm cùng", bà con người Dao lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Vào đêm Giao thừa, các gia đình đều quây quần bên mâm cơm tất niên. Sáng mồng một Tết, các gia đình đều thức dậy rất sớm làm cơm. Theo quan niệm của người Dao, bữa cơm đầu năm có ý nghĩa cầu may, cầu lộc, cầu phúc, cầu an..., vì vậy được chuẩn bị rất chu đáo. Tục chúc Tết của người Dao cũng rất đặc biệt, nếu đi chúc Tết những gia đình có nhà tổ, người ta thường cầm theo một chập giấy vàng nhỏ. Khi đến nhà, việc đầu tiên là người khách tiến đến gần bàn thờ tổ thắp hương (hương của người Dao được làm bằng vỏ quế khô và khi đốt họ thường đặt kèm miếng than hồng) khấn vái tổ tiên, để chập giấy vàng mang theo đặt vào khe cửa bàn thờ để đến ngày gia chủ làm "lễ khai xuân" sẽ được đốt để cầu lộc cho cả gia đình người đi chúc Tết. Thắp hương xong, khách mới quay ra chúc Tết gia chủ, lúc đó gia chủ sẽ mời khách cùng uống rượu, ăn cơm lấy lộc. Đối với các gia đình không có nhà tổ, người đi chúc Tết không mang theo chập giấy vàng, tuy nhiên khi đến vẫn phải thắp hương khấn vái tổ tiên gia chủ, sau đó mới chúc tết gia đình. Việc đi chúc tết sẽ kéo dài trong ba ngày. Trong khoảng thời gian trên, phụ nữ người Dao thường ở nhà thêu thùa, chuẩn bị cơm nước đón tiếp khách đến chúc Tết. Sau ba ngày tết, các gia đình người Dao xã Ba Vì bắt đầu tổ chức "lễ khai xuân" từ mồng 3 đến 14 tháng Giêng.
Trải qua những biến động của lịch sử, những nét độc đáo trong phong tục Tết "Năm cùng" của đồng bào người Dao xã Ba Vì vẫn còn được duy trì và lưu giữ, đã góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam.