Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án bãi đỗ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan chậm triển khai, gây cản trở giao thông.
Năm 2011, tình hình giao thông ở Hà Nội trong tình trạng hết sức phức tạp với số lượng xe máy, ô-tô cá nhân gia tăng một cách nhanh chóng, gây tắc đường triền miên. Không những thế, việc thiếu nghiêm trọng các điểm đỗ xe đã khiến cho tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè làm chỗ để xe diễn ra ở khắp nơi trong thành phố, gây ra cảnh lộn xộn, mất mỹ quan đô thị và góp phần không nhỏ gây ra ùn tắc giao thông. Trước tình trạng đó, thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt giải pháp tình thế như: đổi giờ làm, cấm để phương tiện trên vỉa hè, lòng đường ở hàng loạt tuyến phố... Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đề xuất các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giao thông. Trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội gần như không còn, thì ý tưởng xây bãi đỗ xe cao tầng lúc đó được đưa ra như một giải pháp hay cho giao thông Hà Nội.
Tháng 7-2012, bãi đỗ xe cao tầng đầu tiên của Hà Nội xây dựng tại phố Nguyễn Công Trứ chính thức đi vào sử dụng. Đây được cho là loại hình bãi đỗ xe hiện đại, không tốn diện tích, lấy xe ra vào nhanh, an toàn. Ngay lập tức, thành phố chỉ đạo nghiên cứu, triển khai tiếp hàng loạt bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng ở các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Công Hoan, hè phố Nguyễn Đình Chiểu và Công viên Thống Nhất... Tuy nhiên, ngay sau khi bãi đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Trứ đi vào hoạt động, người ta mới "giật mình" nhận thấy, bãi đỗ xe cao tầng chỉ tiết kiệm được một phần diện tích đất, nhưng tính về hiệu quả kinh tế thì không cao. Bãi đỗ xe này chỉ có 30 chỗ đỗ nhưng phải đầu tư tới 13 tỷ đồng. Giá trông giữ xe từ 2,5 đến 3 triệu đồng/xe/tháng. Nếu tính theo lãi suất ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải mất đến 60 năm mới hoàn vốn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng triển khai quá chậm là nguyên nhân gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại khu vực này. Bãi đỗ xe trên phố Nguyễn Công Hoan là thí dụ điển hình. Trước đây đã tồn tại một điểm trông giữ ô-tô trên một đoạn mương được cống hóa. Ngay khi thành phố có chủ trương làm bãi đỗ xe cao tầng tại đây, người ta dùng tôn quây kín cả vỉa hè. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, nơi đây vẫn chỉ là những hàng rào tôn. Hàng trăm chiếc ô-tô ngày đêm ra vào bãi trông giữ xe. Ngoài ra, nhiều người dân tranh thủ chiếm dụng đất chung quanh khu vực để mở hàng nước, quán ăn, gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Trên tuyến phố này có Trường THCS Phan Chu Trinh và tiểu học Ngọc Khánh. Hằng ngày, vào các giờ cao điểm, lưu lượng người qua lại con phố này rất đông, nhất là trẻ nhỏ. Việc quây kín cả vỉa hè cho bãi đỗ xe "treo" đã khiến trật tự, an toàn giao thông trên con phố này khó được bảo đảm. Bác Nguyễn Văn Tuấn, một cán bộ về hưu sống trong khu vực phàn nàn: "Một bên hè đã bị quây kín, còn hè bên kia rất hẹp, lại thêm hàng ăn, quán nước..., cho nên các cháu nhỏ đến trường phải đi xuống lòng đường, rất mất an toàn".
Tháng 7-2013, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án xây dựng hai bãi đỗ xe tại phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình) và phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm). Thời gian thực hiện dự án kéo dài từ nay đến năm 2015, với tổng số vốn cho cả hai dự án là 122 tỷ đồng bằng tiền ngân sách.
Như vậy, theo đúng tiến độ được phê duyệt, thì trong vòng hai năm nữa, bãi đỗ xe tạm tại phố Nguyễn Công Hoan vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan trong khu vực.
Vấn đề đặt ra là bên cạnh những giải pháp tình huống như trên, thành phố cần có giải pháp căn bản dài hơi hơn. Cần nghiên cứu triển khai quy hoạch tổng thể các điểm đỗ xe trên địa bàn; trong đó dự báo được sự phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố trong những năm tới.