Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Không chỉ là ông chủ của một khu vườn sinh thái đẹp,ông còn sở hữu một trang trại nuôi lợn rừng khá lớn ở miền Nam . Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay biết bao công sức, khó khăn vất vả từ những ngày đầu ông quyết tâm cải tạo đất trồng ruộng sang trồng cây ăn quả và làm du lịch sinh thái.
Làm giàu từ 5 triệu đồng
Dưới bóng mát của những tán cây tràm, hàng dừa sai quả, ông dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cò mà hơn 30 năm về trước còn là vùng đất đầm lầy. Chỉ từ 5 triệu đồng và 1.000 m 2 đất, ông đã phát triển thành khu du lịch vườn cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái vườn cò rộng 8 ha.
Ảnh minh họa
Nhận thấy làm ruộng liên tiếp mất mùa vì triều cường, sâu bệnh, năm 1985, ông và gia đình quyết tâm phát quang cỏ dại, đào đất, liên liếp để trồng dừa lấy bóng mát nhằm thu hút khách tới uống nước giải khát. Hơn cả mong đợi, khi dừa cho trái cũng là lúc nhiều đàn cò trắng bay về chọn vườn dừa của ông để trú chân. Nhờ đó, cứ mỗi khi nắng chiều sắp tắt nhiều người đã kéo đến vườn ông uống nước ngắm đàn cò bay về rợp trắng cả bầu trời. Ngay lúc đó, ông ấp ủ ước mơ sẽ mở một khu vườn sinh thái dựa vào đàn cò và cây xanh. Trong khi đang loay hoay tìm vốn, ông đã được ông Dương Văn Đầy, nguyên Giám đốc Sở Du lịch thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng. Với suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài, từ 5 triệu đồng ban đầu, ông mở rộng diện tích trồng cây, mua thêm vài cái bàn, ghế phục vụ khách tới ngắm cò. Qua mỗi năm, dựa vào số tiền lời có được, ông lại trồng thêm cây, mua thêm bàn ghế, xây thêm nhà chòi….Cứ thế, đến năm 1989, ông chính thức thành lập khu du lịch sinh thái vườn cò rộng 2ha. Không chỉ thế, vì trái cây bán cho thương lái bị phân loại, tiền bán không đủ trả tiền công thuê người hái, nên ông quyết định đưa 6 ha vườn cây ăn trái bên kia sông Tắc vào chương trình tham quan nghỉ dưỡng khi khách tới vườn cò. Và khi tới vườn cây ăn trái, du khách sẽ được ăn miễn phí, chỉ trả tiền đò đưa rước. Nhờ vậy mà, khu du lịch vườn cây ăn trái kết hợp vườn cò của ông trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, thu hút du khách gần xa. Do vậy, nhiều công ty du lịch tại thành phố và các tỉnh thành khác chủ động liên kết với ông để đưa du khách tới tham quan. Được biết, hàng tháng ông đón khoảng 500 du khách , tháng có những ngày lễ lớn như 2/9, 30/4 có thể hơn 1.000 khách.
Không bằng lòng với những gì mình có, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách du lịch muốn được thưởng thức những món ăn ngon, lạ, năm 2005 ông mạnh dạn vay tiền từ phòng kinh tế quận 9 để nhập lợn rừng từ Thái Lan về nuôi. Từ hơn 60 giống lợn nhập ông đã hình thành trang trại nuôi lợn rừng với hơn 200 con. Không chỉ cung cấp thịt lợn cho khách du lịch ăn uống tại khu du lịch vườn cò, các nhà hàng ở thành phố, mà trang trại của ông còn là đầu mối cung cấp lợn giống cho các địa phương khác. Ngoài ra, để tận dụng cỏ ở những cánh đồng hoang, ông nhập thêm trâu ở Campuchia về nuôi. Hiện tại, ông đã có hơn 20 con trâu mẹ lẫn trâu con. Với phương thức sản xuất kinh doanh như vậy mà hàng năm ông thu lời hơn 200 triệu đồng.
Gương sáng mà thầm lặng
Không những được Hội nông dân thành phố bình chọn là là người đi đầu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông còn được người dân nơi đây tin yêu bởi sự tốt bụng, nhiệt tình đối với mọi người.
Ông tâm niệm: Tôi thoát nghèo, làm giàu cũng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Cho nên, tôi sẵn sàng hỗ trợ vốn và kinh nghiệm cho những ai thật sự hăng say lao động vươn lên làm ăn. Thực tế, ông đã giúp rất nhiều gia đình trong vùng xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng kết hợp làm du lịch sinh thái với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Hơn nữa, trước đây khi vùng này chưa có điện, ông chấp nhận bỏ tiền mua trụ điện, dây điện để dẫn điện từ một nhà người dân ở ngoài đường lớn về nhà ông (từ đó vào nhà ông dài hơn 700 mét) và cho mọi người dẫn điện từ nhà ông về nhà họ. Ngoài ra, ông còn vận động mọi người trong khu phố hiến đất góp tiền xây dựng lại đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, ông là người góp tiền nhiều nhất.
Bên cạnh đó, ông còn luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may, cơ nhỡ. Nhìn bé Nguyễn Văn Bình (mới 5 tuổi) được gia đình ông chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, ai cũng nghĩ rằng đó là cháu ruột của ông. Nhưng thực ra, bé Bình mới về nhà ông ở không lâu và là một trong số những em bé bị bỏ rơi rồi với nhiều cơ duyên khác nhau được gia đình ông nhận nuôi. Có những em về nhà ông ở từ năm 1990 khi chỉ mới 3, 4 tuổi, được ông nuôi dưỡng, cho ăn học và hiện tại đã có công ăn việc làm ổn định. Cũng vào năm 1990, có hai cụ già vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vợ con không ai chăm sóc, không nơi tá túc nên xin đến nhà ông ở. Một cụ đã mất, được ông đem về quê lo chôn cất an táng chu đáo. Còn cụ Nguyễn Văn Lắm, hơn 75 tuổi có tiền sử bị tai biến, mặc dù đã được gia đình xin nhận nuôi lại vẫn tìm cách quay về nhà ông để ở. Sau 4 lần như vậy, ông nói gia đình cụ cứ yên tâm để cụ ở lại để ông chăm sóc. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho cụ, ông cũng không ngần ngại mời bác sĩ về khám định kỳ.
Với tấm lòng như vậy, ông đã nhiều lần được chính quyền địa phương và người dân nơi đây đề nghị khen thưởng ở cấp thành phố.