Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo xu thế thời tiết, thuỷ văn mùa Đông Xuân năm 2013-2014

(16:15:57 PM 16/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Tin Môi Trường giới thiệu toàn văn báo cáo khái quát những hiện tượng thời tiết cực đoan và nhận định bổ sung xu thế thời tiết, thuỷ văn mùa Đông Xuân năm 2013-2014 của TTDBKTTVTU thuộc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia.

(Ảnh tư liệu)

 

BÁO CÁO KHÁI QUÁT NHỮNG HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT CỰC ĐOAN NHẬN ĐỊNH BỔ SUNG XU THẾ THỜI TIẾT, THỦY VĂN  MÙA ĐÔNG XUÂN NĂM 2013-2014

 

Phần 1KHÁI QUÁT NHỮNG HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT, THỦY VĂN CỰC ĐOAN  VÀ CÔNG TÁC DỰ BÁO PHỤC VỤ NĂM 2013 

 

I. KHÁI QUÁT NHỮNG HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT CỰC ĐOAN NĂM 2013

 

Trong năm 2013, tình hình thời tiết trên phạm vi toàn quốc rất phức tạp, nhiều hiện tượng thời tiết kỷ lục đã xảy ra. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) năm 2013 đã xuất hiện sớm trên biển Đông ngay từ tháng 1 và tháng 2 năm 2013; Trong năm 2013 đã có 14 cơn bão và 5 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với số liệu trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó có đến 9 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và trong số 5 ATNĐ thì chỉ duy nhất có 01 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (ATNĐ tháng 11). Đây cũng là năm có số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhiều nhất trong vòng 50 năm qua. Nắng nóng xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm, tuy nhiên trong tháng 5/2013 một số nơi tại các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ đã có giá trị nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1960 đến nay. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, mưa tuyết ở Lào Cai, lũ quét và sạt lở đất xảy ra liên tục ở nhiều địa phương.

 

1. Không khí lạnh (KKL), rét đậm, rét hại:

 

Trong năm 2013 đã có hơn 30 đợt KKL, bao gồm 9 đợt gió mùa đông bắc (GMĐB) và các đợt KKL tăng cường (KKLTC). Đặc biệt đợt GMĐB vào cuối tháng 3 đã gây ra mưa đá trên diện rộng trên khu vực các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và đặc biệt là Lào Cai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản; trong tháng 6 xuất hiện một đợt GMĐB cường độ trung bình đã gây mưa vừa, mưa to diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ. Trong khi tháng 5 không xuất hiện một đợt KKL nào ảnh hưởng đến nước ta.

 

Trong năm 2013 đã xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc với tổng cộng 37 ngày xuất hiện rét đậm, rét hại (trong đó xảy ra 20 ngày rét hại). Trong đó đáng chú ý là đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng đầu tháng 1/2013, duy trì liên tiếp trong 15 ngày (từ ngày 01/01 đến 15/01) và đợt rét đậm, rét hại kéo dài 18 ngày trong tháng 12/2013 (từ ngày 15/12 đến 1/1/2014); Một số nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 1 oC như ở Sìn Hồ (Lai Châu) là -0,9 oC, Sa Pa (Lào Cai) là 0,7 oC, Ngân Sơn (Bắc Cạn) và Trung Khánh (Cao Bằng) là 0,0 oC, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -1,1 oC; nhiều nơi ở vùng núi Bắc Bộ có sương muối kéo dài. Ở các huyện Đồng Văn và Quảng Bạ (Hà Giang), Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai) đã xảy ra mưa tuyết; đây là đợt mưa tuyết sớm nhất và tuyết rơi có độ dày lớn nhất đã được ghi nhận trong khoảng 50 năm trở lại đây.

 

2. Nắng nóng: Năm 2013 là năm mà diễn biến nắng nóng không quá phức tạp như các năm trước, tuy nhiên hình thế xuất hiện các đợt nắng nóng lại không rõ ràng gây rất nhiều khó khăn trong công tác cảnh báo, dự báo. Trong năm trên phạm vi cả nước đã xảy ra 12 đợt nắng nóng trên diện rộng (trừ khu vực Tây Nguyên). Nắng nóng diện rộng trong năm 2013 bắt đầu sớm ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ vào những ngày đầu tháng 2 và kết thúc vào những ngày đầu tháng 9 ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ là hợp quy luật nhiều năm.

 

Nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng phổ biến từ 35-38oC, có nơi lên đến 39-40oC, nhiệt độ cao nhất ở Tĩnh Gia và Như Xuân (Thanh Hóa) đạt 40,2oC. Tuy nhiên các đợt nắng nóng không kéo dài, thời gian phổ biến từ 2-4 ngày; Đáng chú ý nhất là đợt nắng nóng giữa tháng 5 năm 2013 (từ ngày 14-20/5 ở Bắc Bộ và từ 14-23/5 ở các tỉnh Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất ở các nơi phổ biến từ 37-39 độ, một số nơi thuộc vùng Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trên 40oC. Riêng một số nơi ở Đồng Bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang (38.6oC ngày 16/5), Bắc Ninh (39.6oC ngày 16/5), Nam Định (39.7oC ngày 15/5), Văn Lý (38.9oC ngày 16/5), Ninh Bình (39.6oC ngày 15/5), Hà Nam (39.5oC ngày 16/5), Thái Bình (38.2oC ngày 16/5) cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử cùng thời kỳ từ năm 1960 đến nay. 

 

3. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ):

 

Trong năm 2013 đã có 14 cơn bão và 5 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với số liệu TBNN. Trong số 14 cơn bão hoạt động trên Biển Đông có đến 9 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và trong số 5 ATNĐ thì chỉ duy nhất có 01 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (ATNĐ tháng 11). Đây cũng là năm có số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhiều nhất trong vòng 50 năm qua. Tất cả các cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm 2013 trước khi đổ bộ vào đất liền đều có hướng di chuyển và diễn biến về cường độ rất phức tạp. Trong số 9 cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta có đến 3 cơn bão có cường độ mạnh (≥ cấp 12), đây cũng là một năm kỷ lục có số cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta. Bão số 14 (HaiYan) là cơn bão rất mạnh về cường độ có thể so sánh với bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ, hình thành ở vĩ độ rất thấp (6,1o N), đổ bộ vào Philippin với cường độ trên cấp 17 (vượt quá khung bảng tính cường độ gió trên khu vực biển Thái Bình Dương) sau đó đi vào biển Đông vẫn giữ cường độ cấp 14, cấp 15, đổi hướng di chuyển lên phía bắc đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng với cường độ gió cấp 11, cấp 12 và giật đến cấp 14 gây hậu quả rất lớn về người và tài sản cho người dân các khu vực nói trên. Hướng di chuyển của bão số 14 là rất phức tạp và không theo quy luật khí hậu (thông thường vào thời điểm cuối mùa bão, hướng di chuyển của các cơn bão thường di chuyển về phía Tây thậm chí là Tây Nam, đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ).

 

4. Tình hình mưa:

 

Trên toàn lãnh thổ đã xảy ra 31 đợt mưa lớn diện rộng nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây cùng thời kỳ. Đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên trong năm 2013 xảy ra vào đầu tháng 5 trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ là muộn hơn TBNN. Đây cũng là điểm bất thường của mùa mưa năm 2013.

 

Nhìn chung các đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2013 cho tổng lượng mưa của cả đợt không quá lớn phổ biến 100 – 200mm, tuy nhiên đợt mưa xảy ra trên khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 15 (Pudol) cho tổng lượng mưa phổ biến 400 – 600mm, thậm chí một số nơi trên 900mm đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân. Riêng ngày 15/11 tại (Ba Tơ) Quảng Ngãi xảy ra lượng mưa ngày đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử là 661mm ngày 15/11/2013 và kỷ lục cũ được ghi nhận là 515mm ngày 12/11/1938.

 

Ngoài những đợt mưa đáng chú ý nói trên, còn phải kể thêm đợt mưa trái mùa bất thường trong tháng 12/2013 ở Bắc Bộ từ 13/12 đến 16/12, tổng lượng mưa ở vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ phổ biến 20 – 50mm; vùng núi phía Đông Bắc Bộ phổ biến 70 – 120mm; vùng núi phía Tây Bắc Bộ phổ biến 150 - 200mm, có nơi lớn hơn như ở Pha Đin là 218mm và TP.Điện Biên (Điện Biên) là 264mm, Phiêng Lanh (Sơn La) là 218mm và đây là lượng mưa lớn nhất từ trước tới nay trong chuỗi số liệu quan trắc được trong cùng thời kỳ. 

 

5. Nhiệt độ:

 

Nền nhiệt độ các tháng trong năm 2013 trên phạm vi toàn quốc phân bố không đều theo thời gian, tháng 2, 3 và 11/2013 phổ biến cao hơn TBNN, tháng 1 và tháng 12/2013 ở mức thấp hơn TBNN, đặc biệt tháng 12/2013 do rét đậm, rét hại kéo dài nên nền nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc thấp hơn TBNN từ 1.5 đến 2.5 độ. Các tháng khác trong năm 2013 nền nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ.

 

6. Tố, lốc, mưa đá: Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 100 cơn lốc xoáy, dông sét và mưa đá gây thiệt hại nhiều về người tài sản, nhà cửa và hoa màu cho các địa phương ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Đặc biệt trong những ngày cuối tháng 3/2013 ở Lào Cai liên tiếp xảy ra  lốc xoáy và mưa đá vào rạng sáng các ngày 27, 29 và 30/3 gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, làm bị thương 19 người. 

 

II. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THỦY VĂN BẤT THƯỜNG NĂM 2013 

 

1. Bắc Bộ

 

- Tình trạng hạn hán, thiếu nước vụ Xuân 2013 xảy ra trong các tháng đầu mùa cạn nhưng không gay gắt. Nguồn nước các sông, các hồ chứa giảm nhanh và đều ở mức nhỏ hơn từ 10-30% so với TBNN, thiếu hụt nhiều ở lưu vực sông Gâm, sông Thao và hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

 

- Lũ Tiểu mãn xảy ra trên sông Đà, Thao, Lô, Cầu và Lục Nam (muộn hơn TBNN khoảng 2-8 ngày) với biên độ lũ lên từ 1,5-7,0m. Tuy nhiên, đỉnh lũ trên các sông đều nhỏ hơn TBNN; riêng đỉnh lũ khu vực thượng lưu sông Cầu lớn hơn TBNN.

 

- Trong thời kỳ mùa lũ, mực nước cao nhất trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình nhìn chung ở mức cao hơn báo động (BĐ) 2, có nơi trên BĐ3.

 

- Lũ quét và sạt lở đất: Ngày 03-04/9, tại vùng núi phía Bắc, mưa to đã gây ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi, làm chết 21 người, mất tích 02 người, bị thương 16 người và gây nhiều thiệt hại về vật chất.

 

- Giữa tháng 12, một đợt mưa lớn trái mùa, ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía bắc, gây lũ vừa trên các sông Ðà, Thao và Lô trong mùa khô.

  

2. Trung Bộ và Tây Nguyên 

 

2.1. Mùa khô năm 2013:

 

+ Trên các sông thuộc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ: Sông Mã tại Lý Nhân 2,92m (ngày 27/01); sông Cả tại Yên Thượng 0,2m (ngày 16/4); sông Trà Khúc tại Trà Khúc 0,45m (ngày 20/02), sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng 3,52m (ngày 04/4), sông Srêpok tại Bản Đôn 167,29m (ngày 07/01); riêng sông Đăkbla tại Kon Tum mực nước đã xuống tới 514,95m (ngày 29/05), là mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

 

+ Lượng dòng chảy trung bình trên hầu hết các sông thuộc Trung Bộ đều thiếu hụt từ 10-50% so với TBNN; riêng tại Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, lượng dòng chảy trung bình ở xấp xỉ và cao hơn TBNN.

 

+ Tại một số tỉnh thuộc ven biển miền Trung như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đã xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

  

2.2. Mùa mưa, lũ 

 

- Trong mùa lũ năm 2013, trên các sông thuộc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 5 đợt lũ vừa và lớn (xảy ra vào các ngày 17-22/9, 01-06/10, 14-17/10, 6-8/11 và 14/17/11). Đỉnh lũ lớn nhất năm trên phần lớn các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây nguyên đều cao hơn mức BĐ3; các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh ở mức BĐ2 – BĐ3; đặc biệt từ 14 – 17/11, đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định và thượng nguồn sông Ba (tại Gia Lai).

 

- Mưa lớn diện rộng cộng với các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn và sự cố vỡ hồ đã khiến hàng trăm nghìn nhà dân ở các tỉnh miền Trung ngập chìm trong biển nước. Thiệt hại nặng nhất là hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và các huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An) và An Khê (tỉnh Gia Lai), với 31 người chết, chín người mất tích. Các địa phương đã sơ tán 18 nghìn hộ dân với 63 nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân chủ yếu gây ra ngập lụt trên diện rộng là do 15 nhà máy thủy điện ở miền trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ...

  

3. Nam Bộ 

 

3.1. Trong các tháng mùa cạn:

 

+ Dòng chảy ở trung và thượng lưu sông Mê Công luôn cao hơn TBNN từ 20-30%; vùng hạ lưu thấp hơn từ 10-20% so với TBNN. Mực nước cao nhất ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long cao hơn TBNN từ 0,15m-0,3m; mực nước thấp nhất thấp hơn TBNN từ 0,15m-0,40m.

 

+ Tình trạng khô hạn đã xảy ra ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN và lấn sâu vào nội đồng từ 40-50km; một số nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh xâm nhập mặn vào sâu tới 50-70km với độ mặn dao động từ 3-7‰, đến cuối tháng 5 tình hình xâm nhập mặn đã giảm dần. 

 

3.2. Trong các tháng mùa lũ:

 

+ Từ tháng 6 đến giữa tháng 9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long luôn ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2-0,4m. Từ ngày 20/9, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh và đạt đỉnh lũ năm vào đầu tháng 10. Đỉnh lũ năm trên các sông: sông Tiền tại Tân Châu là 4,35m (ngày 03/10), thấp hơn BĐ3 0,15m, cao hơn TBNN khoảng 0,15m; sông Hậu tại Châu Đốc là 3,83m (ngày 08/10), thấp hơn BĐ3 0,17m, cao hơn đỉnh lũ năm TBNN từ 0,2-0,3m.

 

+ Các trạm chính vùng cuối nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đạt đỉnh lũ năm vào những ngày cuối tháng 10 và hầu hết đều trên mức BĐ3 từ 0,1-0,5m. Đặc biệt, trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An đã xuất hiện đỉnh lũ lịch sử là 1,68m (ngày 20/10), trên BĐ3 0,18m, gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh.

 

+ Vào đêm 18, rạng sáng 19/10, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra mưa vừa đến mưa to trên diện rộng tập trung trong thời gian ngắn gần 03 giờ trong thời điểm thủy triều cao. Mưa rất to trên địa bàn huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (121,2mm) ở thượng nguồn sông Thị Tính làm cho mực nước trên sông Thị Tính và các nhánh suối dâng cao kết hợp với xả lũ từ các hồ thủy lợi đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại thị trấn Mỹ Phước và các xã lân cận của huyện Bến Cát.

 

III. CÔNG TÁC DỰ BÁO PHỤC VỤ NĂM 2013

 

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã chỉ đạo thực hiện công tác dự báo, phục vụ phòng chống thiên tai theo Quy chế báo Áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể:

 

Theo dõi và cảnh báo sớm tình hình khô hạn vụ Đông Xuân 2012-2013. Thường xuyên báo cáo về tình hình khô hạn, thiếu nước để Trung tâm KTTV quốc gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường, kịp thời  báo  cáo Thủ  tướng  Chính phủ và Tổ điều hành công tác chỉ đạo phòng, chống hạn.

 

Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời các hiện tượng khí tượng nguy hiểm: 14 cơn bão và 5 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, hơn 30 đợt KKL xâm nhập xuống nước ta, 4 đợt rét đậm, rét hại, 12 đợt nắng nóng, 31 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng,...

 

Các cơn bão đều được theo dõi sát và phát tin dự báo từ rất sớm (khi bão còn ở vùng biển phía Đông Philipin hoặc khi còn là vùng áp thấp trên biển Đông). Kể từ cơn bão số 10, khi bão gần vào bờ, các đơn vị làm công tác dự báo đã chủ động ra thêm các bản tin phụ (mỗi giờ ít nhất 01 bản tin) xen giữa các bản tin chính theo Quy chế báo ATNĐ, bão, lũ, thông báo kịp thời tới lãnh đạo địa phương về diễn biến phức tạp của bão để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng, chống bão và mưa, lũ.

 

Thường xuyên thực hiện thảo luận truyền hình trực tuyến giữa Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và 09 Đài KTTV khu vực để nâng cao chất lượng bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, nhất là khi xảy ra các tình huống thời tiết nguy hiểm như: ATNĐ, bão, mưa, lũ lớn.

 

 Thường xuyên báo cáo, trao đổi với Ban Chỉ đạo PCLB TW, phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Báo chí, khi có ATNĐ, bão, lũ trên các hệ thống sông để các bản tin dự báo được xuất bản một cách đầy đủ và sớm nhất.

  
Phần 2: NHẬN ĐỊNH BỔ SUNG XU THẾ THỜI TIẾT, THỦY VĂN MÙA ĐÔNG XUÂN NĂM 2013-2014  

 

1. Khí tượng

 

a) Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ):  

 

Trong những tháng đầu năm 2014, bão và ATNĐ vẫn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 

 

          b) Nhiệt độ:

 

Nền nhiệt độ trung bình các tháng 1 và 2 năm 2014 ở Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ. Các tháng 3 và 4 năm 2014 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ

 

Các đợt rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ xuống dưới 15oC, kéo dài từ 3 ngày trở lên) ở các tỉnh Bắc Bộ vẫn còn có khả năng xảy ra trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2014, tuy nhiên ít có khả năng kéo dài như đợt rét cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua.

  

c) Lượng mưa:

 

- Bắc Bộ lượng mưa các tháng 1 và 2/2014 của mùa đông xuân 2013-2014 phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với TBNN. Đến tháng 3 và 4 năm 2014 có khả năng ở mức cao hơn một ít so với TBNN.

 

- Trung Bộ các tháng từ tháng 1 đến tháng 4/2014 ở phía bắc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN; khu vực Nam Trung Bộ ở mức cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ.

 

- Nam Bộ và Tây Nguyên các tháng từ tháng 1 đến tháng 4/2014 phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN. Trong mùa khô có khả năng xảy ra các đợt mưa trái mùa.

  

2. Thủy văn 

 

a) Bắc Bộ:

 

Vụ đông xuân năm 2013-2014, dòng chảy toàn hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng ở mức nhỏ hơn TBNN khoảng 5-18%, trong đó các tháng 1và tháng 2/2014 thiếu hụt khoảng 10-40% và các tháng 3 và tháng 4/2014 thiếu hụt khoảng 5-10%.

 

Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình từ tháng 1 đến tháng 4/2014 ở mức 900-1100 m3/s (TBNN là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,5m và xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm 2014.

 

Mùa cạn năm 2013-2014 tình trang thiếu nước ít khả năng sẽ diễn ra gay gắt trên diện rộng. Một số nơi vẫn có thể xuất hiện tình trạng khô hạn cục bộ như vùng Đông Bắc và miền núi phía Bắc. Các hồ chứa thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tích đến mực nước thiết kế, việc gia tăng cấp nước cho hạ du sẽ được tăng cường, tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2013-2014 sẽ bớt căng thẳng hơn các năm trước.

  

          b) Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ:

 

Ở Bắc Trung Bộ: Dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa luôn thấp hơn TBNN từ 20-35%; dòng chảy trên các sông Nghệ An, Hà Tĩnh từ nay đến cuối mùa có khả năng ở mức TBNN.

 

Ở Trung và Nam Trung Bộ: Đầu mùa, dòng chảy trên hầu hết các sông ở Trung, Nam Trung Bộ thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 8-30% (riêng ở Quảng Nam, Phú Yên cao hơn từ 20-35%), cuối mùa có khả năng thấp hơn TBNN khoảng 30-40%, có nơi thấp hơn 40%.

 

Tây Nguyên: Đầu mùa dòng chảy các sông ở Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn TBNN khoảng 35-50%, đến cuối mùa ở mức cao hơn từ 10-15%; đầu mùa các sông ở Nam Tây Nguyên thấp hơn từ 18-40%, cuối mùa ở mức xấp xỉ TBNN.

 

Nam Bộ: Đầu mùa mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,1-0,2m, đến giữa và cuối mùa có khả năng cao hơn TBNN khoảng 0,25-0,35m. Ở các tỉnh ven biển miền tây Nam Bộ, cần đề phòng tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

 

Trong các tháng cuối đông xuân 2013-2014, ở các tỉnh Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ và xâm nhập mặn ở một số vùng. 

Trong các tháng cuối của vụ đông xuân 2013-2014, một số nơi ở khu vực Đông Bắc, vùng núi phía bắc, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ. Ngoài ra, từ nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2014 là thời kỳ giao mùa, các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía bắc đề phòng khả năng xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc mạnh và mưa đá.

TRUNG TÂM DỰ BÁO KTTV TRUNG ƯƠNG