Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giáo dục song ngữ tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số

(14:05:32 PM 16/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Nhằm giúp trẻ em vùng dân tộc thiểu số vượt qua rào cản về ngôn ngữ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ tại ba tỉnh: Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh với các ngôn ngữ của dân tộc Mông, Jrai và Khơ-me.

( Ảnh minh họa )

 

Chương trình nhằm giúp trẻ em dân tộc thiểu số khi bắt đầu đi học sẽ được tiếp cận với tiếng Việt thông qua tiếng mẹ đẻ. Từ lớp 5 trở lên, các em có thể thông thạo cả hai thứ tiếng ở mức có thể tự tin học bằng tiếng Việt. Chương trình này được thực hiện đến cuối năm 2015, kết quả sẽ là tiền đề để xây dựng một chính sách về giáo dục song ngữ phù hợp và bền vững kèm theo những hướng dẫn thực tế để có thể nhân rộng ở nhiều địa phương. 


Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc và có nền văn hóa đa dạng. Một số nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn và chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong nhà trường lại là tiếng Việt và chính điều này đã tạo ra rào cản ngôn ngữ cho nhiều trẻ em dân tộc thiểu số khi đến trường, làm các em không thể tham gia một cách tích cực và tự tin vào bài học, do đó các em có kết quả học tập yếu kém hơn nhiều so với trẻ em dân tộc Kinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học của trẻ em dân tộc thiểu số thấp hơn so với trẻ em dân tộc Kinh. 

Chia sẻ thông tin về kế hoạch hợp tác, hỗ trợ chương trình giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, UNICEF đang thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, trong đó nhấn mạnh rằng trẻ em dân tộc thiểu số sẽ học tốt hơn nếu bắt đầu bằng tiếng mẹ đẻ. Ngay từ bậc mầm non, trẻ em ba nhóm dân tộc thiểu số Mông, J'rai và Khơ-me được học bằng tiếng mẹ đẻ và học kiến thức cơ bản. Sau đó, ở cấp tiểu học, các em tiếp tục được học bằng tiếng mẹ đẻ qua các cô giáo cùng dân tộc với mình. Khi lên lớp 3, tiếng Việt bắt đầu được đưa vào như một ngôn ngữ giảng dạy và tiếp tục duy trì ở lớp 4 và lớp 5. Đến lớp 5, học sinh đã thực sự thành thạo cả hai ngôn ngữ, đạt chuẩn của chương trình quốc gia và có thể nghe hiểu hoàn toàn khi đọc, nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ cũng như bằng tiếng Việt. Kết quả học tập của ba nhóm dân tộc thiểu số này trong kỳ kiểm tra chuẩn kiến thức kỹ năng quốc gia những năm qua đa phần là tốt. Đây cũng là một cách mà UNICEF hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống nhà trường giúp hòa nhập nhóm trẻ em bị thiệt thòi. 

Trong quá trình triển khai, UNICEF đã giúp đỡ kỹ thuật và tài chính để việc xây dựng giáo trình giảng dạy, tập huấn giáo viên, vận động chính sách, thực hiện các nghiên cứu theo dõi kết quả học tập. Chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ và tham gia nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, cha mẹ học sinh và cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học song ngữ và hỗ trợ tài chính để sửa sang trường lớp cho học sinh. 
Thời gian tới, UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chương trình giáo dục song ngữ để ngày càng có nhiều hơn học sinh dân tộc thiểu số được tham gia học tập vui vẻ, tích cực và có kết quả tốt.
TTXVN