Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những tổn thương không thể tránh khỏi
Rất nhiều kịch bản được dựng lên về tác hại của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Trong đó, các nghiên cứu thường đi đến kết luận chung về an ninh lương thực, và an ninh con người.
Tại hội thảo “Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức” do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng bộ NN&PTNT khẳng định nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có đến 90% diện tích đất sống và canh tác tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập trong mùa lũ, và 71% diện tích bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Nghĩa là, Việt Nam sẽ phải đối diện nguy cơ mất an ninh lương thực do ngành trồng trọt, lẫn chăn nuôi sẽ bị gây hại nghiêm trọng vì xuất hiện các yếu tố nhiễm mặn, ngập úng, thiếu nước, hay dịch bệnh…
Hình ảnh sạc lở ven sông các tỉnh miền Tây Nam Bộ giờ không phải là chuyện hiếm. Ảnh: Hoàng Lan
Đó là chưa kể đến các mối lo ngại khác từ biến đổi khí hậu sẽ tác động đến an ninh con người. Có đến 80 – 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão, mưa đá, hạn hán, lũ lụt. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm thiên tai cướp đi sinh mạng hàng trăm người, thiệt hại tài sản có lúc lên đến 1,5% GDP.
Chỉ “hạn chế tổn thương” chứ không thể “thoát”
Trước tình hình đó, Việt Nam đã và đang tìm ra, thực hiện rất nhiều các giải pháp. Trong đó, phải chú ý đến chương trình giảm khí thải nhà kính đến năm 2020; tích cực áp dụng khoa học công nghệ xanh vào sản xuất nông nghiệp bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu; kế hoạch triển khai chương trình giảm phát thải, quản lý bền vững rừng ngập mặn, phát triển thuỷ lợi…
Mới nhất, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 15.12.013, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tuyên bố thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hoa Kỳ cam kết ban đầu sẽ hỗ trợ Việt Nam bằng dự án 17 triệu USD cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhận xét về các gói giải pháp chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, bà HE. Madam Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho rằng đó là những gói giải pháp rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để biến đổi khí hậu là điều không thể. Có ít nhất ba nguyên nhân chứng minh cho nhận định này.
Một là, biến đổi khí hậu có tính chất, quy mô và bị chi phối một cách toàn cầu. Nghĩa là, Việt Nam không thể nào “một tay vá trời”, trong bối cảnh yếu thế về tài chính, khoa học kỹ thuật.
Hai là, song song với các giải pháp chống biến đổi khí hậu thì con người lại tạo ra những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Và có khi, việc tạo ra cái “chống” chậm hơn tạo ra cái nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Chính nhà khí tượng học Đức Hans von Storch đã thừa nhận trên tờ Spiegel rằng nạn thải khí CO2 đang diễn ra nhanh hơn con người từng lo ngại và chưa có dấu hiệu suy giảm. Ông Hans von Storch nhấn mạnh dù việc giảm phát thải CO2 đang được khuyến khích tối đa bằng nhiều giải pháp, nhưng cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trái đất sẽ nóng lên khoảng 2 độ C, thậm chí là hơn thế nữa.
Ba là, có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu không chỉ xuất phát từ con người, mà còn là do tự nhiên. Nghĩa là sớm muộn, nguy cơ con người phải chịu tác động từ biến đổi khí hậu là rất cao.
Trước đến nay, dường như Việt Nam chú trọng đấu tranh chống biến đổi khí hậu bằng các biện pháp xử lý “bề nổi” hay chữa bệnh, như kiểu cấp kinh phí xây dựng công trình chống lũ, xử lý doanh nghiệp phát thải trái quy định, cấp vốn và khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo…
Như vậy, về dài hạn Việt Nam gần như chắc chắn sẽ phải “sống chung” với biến đổi khí hậu. Mới đây, hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về khí hậu công bố tại Ba Lan đã chỉ ra trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ xếp thứ sáu trong danh sách các nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì biến đổi khí hậu. Vậy nên, việc “chống chọi” với biến đổi khí hậu trong dài hạn không thể “chơi” theo kiểu “nước rò chỗ nào thì đắp chỗ đó” được.
Nhà nước kiến tạo “kịch bản” để thích nghi
Trong phát biểu về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”. Nghĩa là, Chính phủ sẽ chuyển đổi cách quản trị nhà nước từ kiểu quan liêu truyền thống – “chữa bệnh” – sang kiểu phòng ngừa.
Trước đến nay, dường như Việt Nam chú trọng đấu tranh chống biến đổi khí hậu bằng các biện pháp xử lý “bề nổi” hay chữa bệnh, như kiểu cấp kinh phí xây dựng công trình chống lũ, xử lý doanh nghiệp phát thải trái quy định, cấp vốn và khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, với các vấn đề dài hạn và khó tránh tổn thương như biến đổi khí hậu, Chính phủ cần thay đổi tư duy truyền thống này bằng tư duy phòng ngừa. Ví dụ, sống chung với đất mặn bằng hình thức canh tác mới thay vì dùng thuốc khử mặn; để hạn chế khí thải CO2 thì hướng dẫn và đầu tư hệ thống công nghệ xanh, thay vì chỉ biết xử phạt doanh nghiệp vi phạm…
Nghĩa là, Việt Nam cần có những “chuyên gia” cho tương lai, chứ không phải cho hiện tại. Những chuyên gia này sẽ tạo ra những kịch bản với tầm nhìn dài hạn, dựa trên các động thái: i) Phân tích và nắm bắt tình hình trong nước và thế giới về biến đổi khí hậu, ii) Chẩn đoán, xác định những vấn đề then chốt được đặt ra cho Chính phủ trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu; iii) Xác định nhiệm vụ cơ bản của chính phủ trong chống biến đổi khí hậu; iv) Dự đoán viễn cảnh xảy ra; v) Triển khai một chiến lược thực hiện viễn cảnh và mục tiêu nhằm tối thiểu hoá rủi ro mà các viễn cảnh mang lại; vi) Đề ra thời gian biểu thực hiện chiến lược chống biến đổi khí hậu để giám sát, kiểm định; điều chỉnh; vii) Đánh giá kết quả, so sánh mục tiêu để tiếp tục một chiến lược tiếp theo.
Đã hết rồi cái thời “ăn cây nào, rào cây ấy”. Phải nghĩ đến trường hợp biến đổi khí hậu dìm hàng triệu hécta đất, đất nhiễm mặn khắp nơi… thì dân mình sẽ phải sống ra sao.