(Tin Môi Trường) - Cùng với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động đo đạc và bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được Chính phủ giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
( Ảnh minh họa )
Đồng thời triển khai dự án Khôi phục và hoàn thiện hệ thống độ cao quốc gia Campuchia (giai đoạn II); dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Trong năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện các dự án Thành lập bản đồ địa hình, địa chính khu vực Nam Phú Yên, Hòn La, Cầu Treo, Nghi Sơn; hoàn thiện và hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính. Trong đó đã hoàn thành và bàn giao sản phẩm dự án Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm toàn quốc; dự án Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm cho 56/61 tỉnh, thành phố sử dụng phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Bộ tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ; xây dựng hệ thống thông tin địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ; cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 gắn với mô hình số độ cao thành phố Hà Nội. Xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh tệp danh mục và bản đồ kèm theo 03 Nghị định thống nhất đặt tên gọi bằng tiếng Việt các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng khác trên vùng biển Việt Nam. Chỉnh sửa, cập nhật, xây dựng bản đồ toàn cầu, đại địa danh và địa danh hành chính các cấp phần lãnh thổ Việt Nam theo yêu cầu của Liên hợp quốc; đo lưới trắc địa động học Châu Á - Thái Bình Dương. Đẩy mạnh việc đo đạc lập bản đồ địa giới hành chính gắn với việc xây dựng hồ sơ địa giới hành chính.
Riêng công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành cắm mốc trên thực địa trong năm 2013. Đo vẽ, thành lập bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam-Lào tỷ lệ 1/10.000 khu vực 16 cặp cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 2 khu vực. Kiểm tra nghiệm thu, giám sát thi công, hoàn chỉnh bộ bản đồ khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, bộ bản đồ trực ảnh khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Các địa phương giáp với Campuchia và Lào đã phối hợp chặt chẽ với Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền.
Nhờ đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường bằng công nghệ viễn thám, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án của Chính phủ về giám sát tài nguyên-môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám. Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng và sông Mê Công. Kể từ khi vệ tinh VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo và đưa vào vận hành ngày 9/5/2013 đến nay, số lượng cảnh ảnh VNREDSat-1 đã thu nhận được là 10.795 cảnh ảnh (4.753 cảnh toàn sắc và 6.042 cảnh đa phổ), trong đó số ảnh thu được trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam là 1.428 cảnh (716 cảnh ảnh toàn sắc và 712 cảnh ảnh đa phổ) .
Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn chỉnh hệ thống thông tin địa lý cơ sở quốc gia bao gồm ảnh mặt đất chụp từ vệ tinh, máy bay. Hệ thống bản đồ địa hình các loại tỷ lệ phủ trùm cả nước, các loại tỷ lệ phục vụ quản lý đường biên giới quốc gia và địa giới hành chính các cấp; hệ thống địa danh các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ, các loại bản đồ chuyên đề, chuyên ngành, chuyên dụng phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các hệ thống được cập nhật thường xuyên.