Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được hiểu như thế nào?

(13:07:08 PM 15/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “… tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển”.

Câu hỏi 46: Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được hiểu như thế nào? Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam?  

 

 

(Ảnh tư liệu)

   

Đáp: Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “… tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển”.

 

Công ước quy định thế nào là “đi qua” và thế nào là “đi qua không gây hại”. Theo đó, có thể hiểu là với điều kiện không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của quốc gia ven biển, các loại tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu quân sự) được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí và không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên Công ước cũng quy định: “Ở trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và treo cờ quốc tịch” (điều 21) và “nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể đòi chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức” (điều 30).

 

Ngoài ra, quốc gia ven biển cũng được phép đề ra các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại (điều 21, 22) và có thể thi hành các biện pháp cần thiết để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại (điều 25).

 

Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ngày 25/7/1994 và tôn trọng quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước.

 

Luật Biển Việt Nam quy định “Đi qua không gây hại trong lãnh hải” tại Điều 23 và “Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại” tại Điều 24. Theo đó, “việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển”. Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây: Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc; Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; Đánh bắt hải sản trái phép; Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam; Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

 

“Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung: An toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; Bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, thiết bị hay công trình khác; Bảo vệ đường dây cáp và ống dẫn; Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; Hoạt động đánh bắt, khai thác và nuôi trồng hải sản; Gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn; Hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh”.

 

(Ảnh tư liệu)

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG