Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Cần khắc phục tình trạng kém hiệu quả của các công trình nước sạch
(09:30:07 AM 15/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Hơn 10 năm qua, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng hơn 1.700 công trình cấp nước để cung cấp nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho hàng ngàn hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn làng.
( Ảnh minh họa )
Trong số đó, có gần 140 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 115 tỷ đồng; hơn 1.600 công trình còn lại do các địa phương làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra rà soát của các cơ quan chức năng, hiện chỉ có khoảng 55% số công trình hoạt động đạt hiệu quả còn lại hoạt động kém hiệu quả do xuống cấp trầm trọng, nhiều công trình không thể sử dụng được hoặc vừa xây dựng xong “đắp chiếu” gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.
Công trình nước tự chảy ở làng Nú, xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa) có vốn đầu tư xây dựng gần 500 triệu đồng, được đưa vào sử dụng cuối năm 1995 phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ gia đình. Song công trình này có tuổi đời khá ngắn chỉ hoạt động được gần 4 năm, thời gian còn lại bị bỏ hoang giữa rừng. Cùng chung tình cảnh là công trình nước sạch ở làng Bông. Mặc dù được xây dựng ngay giữa trung tâm làng nhưng niềm vui mang lại cho người dân nơi đây cũng chỉ “tày gang”. Ông Đinh Ơng - Chủ tịch xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa xót xa cho biết: Toàn xã có 5 công trình nước sạch thì hiện chỉ còn một công trình sử dụng được, còn lại đều hư hỏng không thể sử dụng. Thấy dự án hàng trăm triệu bỏ hoang chúng tôi rất xót xa nhưng vì không có kinh phí nên không thể tìm ra hướng khắc phục.
Bên cạnh đó, nhiều công trình vừa mới được đầu tư xây dựng nhưng cũng cùng chung số phận “màn trời, chiếu đất” do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất nên không phát huy hiệu quả. Điển hình như công trình nước sạch của làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (kinh phí xây dựng hơn 400 triệu đồng) được đưa vào sử dụng năm 2002, hoạt động chưa đầy một năm đã hư hỏng không thể sử dụng được. Ông R.Châm Hlưng, Phó Chủ tịch mặt trận xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) khẳng định, lúc thi công công trình này tôi đang là thôn trưởng. Khi đó tôi phát hiện thấy công trình có nhiều điểm không hợp lý trong thiết kế, xây dựng. Cụ thể khu vực này bùn lầy, cần phải xây móng sâu ít nhất hơn 1m nhưng trong thiết kế chỉ xây dựng hơn 40 cm nên tôi không ký vào biên bản nghiệm thu công trình này.
Mặc dù có sự hiện diện của các công trình nước sạch gần nhà nhưng hàng ngày bà con vẫn phải huy động hầu hết các vật dụng có thể chứa đựng nước để hứng nước vào mùa mưa. Mùa nắng các gia đình phải tranh thủ thời gian vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để ra suối xách từng can nước. Cá biệt một số huyện khan hiếm nguồn nước như Krông Pa , Kông Chro... bà con phải vượt rừng nhiều cây số để lấy nước về để dành phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước ao, hồ, sông suối không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư nhất, là người dân vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai cần sớm có biện pháp hữu hiệu hơn trong công tác khảo sát, quản lý và sử dụng các công trình nước sạch trên địa bàn.