(Tin Môi Trường) - Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển đã trở thành nghề thu hút ngày càng nhiều hộ ở các huyện ven biển tỉnh Quảng Nam tham gia. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh diện tích nuôi tôm trên cát tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường.
( Ảnh minh họa )
Ở các xã ven biển thuộc huyện Thăng Bình và huyện Núi Thành, người dân không ngần ngại chặt phá nhiều khu rừng phi lao ven biển, phá bỏ vườn nhà, thậm chí là phá cả nhà để làm ao nuôi tôm. Nhiều nơi, người dân còn đào ao nuôi tôm ngay trong đêm để tránh sự phát hiện và ngăn chặn của chính quyền. Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm trên cát mang lại cho người nông dân nhưng phát triển ồ ạt việc nuôi tôm trên cát sẽ dẫn đến hệ lụy tất yếu là sóng biển, gió bão đưa nước biển xâm thực sâu vào đất liền gây ra tình trạng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm và gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng đã và đang diễn ra từng ngày ở nhiều vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam.
Là người có thâm niên trong lĩnh vực nuôi tôm trên cát với quy mô lớn và quy trình xử lý nước thải khá đồng bộ, song trước sự phát triển ồ ạt của diện tích mặt nước nuôi tôm trên cát, anh Nguyễn Văn Thành ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình cũng thừa nhận: Yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nuôi tôm là vấn đề môi trường. Với sự phát triển một cách nhanh chóng diện tích nuôi tôm trên cát nhưng vấn đề xử lý môi trường không được các hộ nuôi tôm chú ý đúng mức sẽ tiềm ẩn những nguy hại khó lường. Khi môi trường không kiểm soát được, con tôm nhiễm bệnh và chết hàng loạt, người nuôi tôm trắng tay và nợ nần chồng chất là điều không thể tránh khỏi.
Người nuôi tôm ai cũng biết được hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nguy hại đến mức nào đối với vật nuôi nhưng vì lợi nhuận trước mắt, những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã bị người nuôi tôm phớt lờ. Những năm trước, tôm rất ít khi bị dịch bệnh, còn bây giờ môi trường bị ô nhiễm nặng nên tôm bị dịch bệnh và chết hàng loạt xảy ra thường xuyên.
Bà Phạm Thị Hoàng Trâm, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Do giá thu mua tôm nguyên liệu trên thị trường đột ngột tăng nhanh, từ giữa năm 2013, hàng trăm hộ các xã ven biển thuộc hai huyện Núi Thành và Thăng Bình đã bất chấp các khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng, chặt phá nhiều cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển và cải tạo vườn nhà để làm ao nuôi tôm, khiến vùng quy hoạch nuôi tôm của địa phương bị phá vỡ, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Núi Thành đã thành lập 2 đoàn công tác về tận các địa phương để lập biên bản xử phạt hành chính về việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các đoàn công tác đã lập 144 biên bản vi phạm hành chính về hành vi nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên cát theo mô hình phủ ni-lông bạt, xử phạt hành chính 61 trường hợp với số tiền xử phạt gần 250 triệu đồng. Huyện còn thực hiện việc cắt nguồn điện cung cấp cho một số hộ nuôi tôm trái phép để chấm dứt tình trạng nuôi tôm trên cát một cách tràn lan.
Còn tại huyện Thăng Bình, là một trong những địa phương phát triển nhanh diện tích nuôi tôm theo mô hình phủ ni-lông bạt trên cát, chính quyền và các ngành chức năng đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc nghiêm cấm tình trạng chặt phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm và sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng nhà nhà nuôi tôm.
Nhờ những nỗ lực trên, đến nay tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình là những địa phương phát triển “nóng” về diện tích nuôi tôm trên cát đã cơ bản được kiểm soát.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã trở thành một nghề đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về sự phát triển bền vững của giống vật nuôi này và môi trường. Để vừa khắc phục tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển lấy đất nuôi tôm, vừa đáp ứng nhu cầu nuôi tôm theo mô hình nuôi tôm phủ ni-lông bạt trên cát của người dân, tỉnh Quảng Nam đang tiến hành công tác quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm trên cát trước khi hình thành được vùng nuôi tôm thẻ chân trắng chuyên canh. "Từ năm nay, việc nuôi tôm dưới các hình thức ở Quảng Nam đều thực hiện đúng theo các quy trình nghiêm ngặt, nhằm hướng tới nghề nuôi tôm bền vững, thân thiện với môi trường", b à Phạm Thị Hoàng Trâm, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.