(Tin Môi Trường) - Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) có tổng diện tích 14.772 ha; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt lên đến 11.505 ha. Những năm qua, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi Khu Bảo tồn, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Gần đây, tình trạng khai thác, chặt hạ trái phép cây gỗ nghiến ở Khu bảo tồn này lại tái xuất hiện, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự.
( Ảnh minh họa )
* Tái diễn khai thác gỗ nghiến trái phép
Theo một số người dân xã Kim Hỷ, gần đây một số đối tượng mang cưa xăng, cưa máy lên khu vực rừng nghiến thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để chặt hạ gỗ nghiến, nhằm lấy thớt, lấy ván, gỗ hộp…Từ thông tin này, phóng viên TTXVN theo đường mòn từ xã Kim Hỷ đến khu vực rừng Phia Đeng giáp ranh với xã Lương Thượng và đã chứng kiến những cây gỗ nghiến còn lại của Khu Bảo tồn đang bị đốn hạ. Sau hơn 1 giờ đồng hồ men theo con đường mòn, chúng tôi đã đến được khu vực Keng Than, thuộc địa phận xã Kim Hỷ.
Tại đây, chúng tôi thấy có 3 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ, có cây mới bị chặt nên lá vẫn còn xanh, có cây lá đã úa vàng, những vết cắt tại gốc và thân cây vẫn còn đỏ au, dưới thân cây vẫn còn rớm nhựa cây, mùn cưa còn rất mới. Cách đó mấy bước chân, một cây gỗ lá còn xanh, đo được có đường kính gốc hơn 80 cm, chiều dài hơn 20m, một phần thân cây đã bị những đối tượng khai thác gỗ trái phép lấy đi.
Cây gỗ này được người dẫn đường (là người dân địa phương) khẳng định chỉ bị chặt hạ cách đây chưa đầy một tuần. Hai cây còn lại thì một cây có đường kính gốc là 80 cm, gốc dạng dẹt; cây còn lại có đường kính gốc tròn là 60 cm. Cũng theo người dẫn đường, những cây gỗ này đã có tuổi đời trên dưới 100 năm. Những cây gỗ đã bị các đối tượng khai thác trái phép cắt thành nhiều khúc, xẻ thành nhiều loại để "tuồn" ra ngoài, hiện trường còn lại là những mảnh bìa, những cục thớt bị méo mó, đầu mẩu gỗ rơi trên nền đất. Những đoạn gỗ đẹp hơn đã bị đưa ra khỏi rừng.
Ngoài những cây nghiến mới bị chặt hạ, chúng tôi còn phát hiện có một số cây gỗ nghiến đã bị chặt cách đây vài tháng hoặc vài năm nhưng những đối tượng khai thác gỗ trái phép vừa mới “xẻ thịt” để đưa ra ngoài. Những đối tượng này làm như vậy vì nếu lực lượng chức năng có phát hiện thì chỉ bị coi là cắt gỗ nghiến cũ để tận dụng làm nhà chứ không phải là chặt cây mới. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi. Đặc biệt, ở những khu vực cắt xẻ gỗ, các đối tượng còn đốt lửa để sưởi ấm hay đun nấu. Điều này rất nguy hiểm vì đang là mùa khô, lá rụng nên khi có lửa có thể xảy cháy và nếu không may xảy cháy rừng ở những khu vực núi đá này thì chẳng có phương tiện nào có thể vào chữa cháy.
Một người dân địa phương mới đây có tham gia "cõng" thớt gỗ nghiến thuê cho biết: Hiện nay, 1 cục thớt gỗ nghiến cao 40 cm và đường kính 50cm, khi vận chuyển đến đường cái hoặc nơi tập kết sẽ có giá từ 450.000 – 500.000 đồng; gỗ dạng ván thọ dày 5 cm, dài 2m, rộng 50cm có giá bán từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tấm; gỗ khuôn cửa dày 7cm, rộng 25cm, dài 3,2 m có giá từ 1.000.000 đến 1.400.000 đồng/thanh….Lợi nhuận cao nên các đối tượng bất chấp nguy hiểm để khai thác gỗ nghiến.
* Cần nỗ lực giữ rừng
Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Bắc Kạn về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép, năm 2013, Hạt Kiểm lâm Khu
Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã ra quân truy quét 38 lượt khai thác gỗ và lâm sản trái phép; tiêu hủy 129 lán trại, 260 máy móc và các thiết bị khai thác vàng trái phép; lập biên bản 59 vụ vi phạm lâm luật; thu giữ gần 4m3 gỗ tròn quý hiếm, hơn 25m3 gỗ xẻ...
Do sự truy quét gắt gao của lực lượng chức năng, gần đây một số đối tượng đã dùng sim điện thoại (dạng sim rác) để gọi điện vào máy điện thoại cố định, điện thoại di động của lãnh đạo và cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn để đe dọa, thách thức.
Ngành Kiểm lâm và chính quyền các địa phương thuộc Khu Bảo tồn đã tuyên truyền, vận động nhân dân không chặt phá rừng; đồng thời tổ chức cho các hộ dân ký cam kết, đặt hòm phiếu tố giác nếu phát hiện hành vi vi phạm; ban hành quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng... Năm 2013, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn đã thực hiện nhiều buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, đấu tranh với các hành vi vi phạm luật. Thế nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.
Theo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng: Do lợi nhuận cao từ việc bán gỗ, bán thớt nên nhiều đối tượng đã liều lĩnh đe dọa cán bộ khi thi hành công vụ. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nông nhàn, nhu cầu về gỗ để tu sửa nhà cửa tăng lên…do đó việc khai thác lâm sản trái phép có chiều hướng diễn biến phức tạp, việc quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng Kiểm lâm còn mỏng và thiếu; sự phối hợp giữa các trạm, chốt và chính quyền các xã chưa chặt chẽ, thiết bị và công cụ hỗ trợ công tác theo quy định còn hạn chế nên công tác giữ rừng gặp nhiều khó khăn.
Để công tác bảo vệ rừng nói chung và rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nói riêng đạt hiệu quả cao, ngành Kiểm lâm cần chủ động hơn trong việc nắm địa bàn; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định; tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao năng lực của cán bộ kiểm lâm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát.
Lực lượng chức năng cũng cần thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường lực lượng kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn x ã, phụ trách đến từng khu, khoảnh đối với rừng đặc dụng; xử lý nghiêm những đối tượng khai thác rừng trái phép; kiểm tra các c ơ sở sản xuất kinh doanh gỗ và các công tr ình xây dựng có sử dụng gỗ quý hiếm.