Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kết luận mới đây của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cho thấy hầu hết các nhà máy chế biến bột cá tại cụm công nghiệp thuộc cảng cá Tắc Cậu không lập đề án chi tiết hoặc không xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Sống chết mặc bây
Các nhà máy chế biến bột cá này được xây dựng cách nay khoảng 7-8 năm. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân nơi đây đã không chịu nổi mùi hôi thối từ nước thải xả thẳng ra môi trường.
Ông Giang Nhựt (ngụ ấp An Bình, xã Bình An) cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã đến mức báo động từ nhiều năm nay nhưng không được các ngành chức năng quan tâm. Hiện các dòng kênh và cả con sông Cái Bè đã bị nhuộm đen, bốc mùi khi phải hứng chịu nước thải và chất thải suốt ngày đêm từ các nhà máy. Lượng nước đen ngòm này còn theo thủy triều lên và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như vườn cây ăn trái của người dân.
“Nguồn nước hôi thối như vậy mà tràn vào ao nuôi cá thì con gì sống nổi. Dọc con kênh gần đây có ít nhất 5 hộ nuôi cá nước ngọt phải phá sản vì cá chết trắng ao. Họ đã nhiều lần đòi bồi thường thiệt hại nhưng không ai giải quyết nên cả tổ hợp tác phải giải thể” - ông Nhựt bức xúc.
Theo ông Nhựt, ô nhiễm nặng nề nhất là từ tháng 3 đến tháng 10, lúc các nhà máy tăng công suất vì vào mùa cá. Cùng với ô nhiễm là ruồi, muỗi xuất hiện dày đặc. Quần áo mới vừa giặt treo lên không bao lâu đã bị tro bám và nhuốm mùi hôi. Các vật nuôi như gà, vịt, heo hoặc trâu bò đều phải cho ngủ mùng chứ nếu không sẽ bị muỗi tấn công ngã bệnh rồi chết. Nhiều người dân nơi đây cho biết từ khi các nhà máy hoạt động, họ thường bị các bệnh về hô hấp.
Nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản làm đặc quánh con kênh cung cấp nước cho ruộng lúa của người dânThất thu nặng nề
Theo phản ánh của người dân địa phương, hiện 2 ấp An Phước và Minh Phong của xã Bình An cũng diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự. Trong đó, ấp An Phước có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất mực, cá khô gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và trồng trọt của hàng trăm người dân. Đặc biệt, vào những lúc trời nắng gắt hay mưa dầm, ruồi, muỗi bay về đây đen nghịt.
Tại ấp Minh Phong, người dân cũng bức xúc vì nước thải của Nhà máy Chế biến thủy sản Sao Biển làm bít dòng chảy của con kênh dùng để bơm nước tưới ruộng. Trước tình trạng này, nhiều người dân đã suýt đánh nhau với các công nhân của nhà máy khi họ đắp chặn con đập không cho nước chảy ra sông lớn.
Ông Giang Thanh Cụi (ngụ ấp An Ninh, xã Bình An) cho biết hàng trăm hộ dân ở đây là nạn nhân của tình trạng hôi thối và bụi tro từ lò đốt của Nhà máy Chế biến bột cá ở bờ sông Cái Bè, thuộc ấp An Bình. “Nghe nói mấy hôm nay có đoàn thanh tra xuống nên các nhà máy chuyển sang hoạt động về đêm. Nguồn nước và không khí ô nhiễm nên vườn cau, dừa, khóm của hàng trăm gia đình nơi đây chết dần hoặc giảm năng suất thê thảm. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và Hội Tương tế người Hoa nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp HĐND các cấp và UBND xã nhưng vẫn chưa được giải quyết” - ông Cụi bức xúc.
Sẽ xử lý dứt điểm
Ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Thi, đã có chuyến khảo sát thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá Tắc Cậu theo phản ánh của người dân địa phương và có buổi làm việc với ban quản lý cảng cá này. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà máy chấm dứt ngay tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Châu Thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở về tình trạng xử lý nước thải. Kiên quyết rút giấy phép hoạt động đối với các nhà máy không khắc phục được tình trạng ô nhiễm.