(Tin Môi Trường) - Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2020, thành phố Cần Thơ sẽ mở thêm các trường đại học quốc tế, đại học ngoại ngữ, đại học kiến trúc; thành lập thêm các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cả trong và ngoài công lập.
( Ảnh minh họa )
Bên cạnh đó, thành phố nâng cấp trường Cao đẳng Cần Thơ thành Đại học Sư phạm Cần Thơ, Cao đẳng nghề thành Đại học Sư phạm Kỹ thuật Dạy nghề, Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Trung cấp Thể dục Thể thao thành Cao đẳng Thể dục Thể thao, Trung cấp Du lịch thành Cao đẳng Du lịch.
Thành phố tập trung phát triển về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2020 đào tạo được 50 tiến sĩ, 250 thạc sĩ. Đồng thời hình thành các nhóm chuyên gia đầu ngành trình độ cao, có khả năng hoạch định và triển khai các chiến lược, đề án mang tầm vĩ mô.
Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết: Để đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2014-2020, thành phố tăng cường đầu tư và quản lý đầu tư có hiệu quả cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo; bố trí cho cán bộ quản lý đi học nâng cao nghiệp vụ, sắp xếp cho nhân lực có học vấn cao được nắm giữ các chức vị trọng yếu; chú trọng đến giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Thành phố khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề đi đôi với nâng cấp chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đề ra các chính sách đào tạo nghề hiệu quả cho lực lượng lao động chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo, xúc tiến, hỗ trợ và giới thiệu việc làm. Thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực chăm lo phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, miễn giảm học phí cho các đối tượng khó khăn, giảm thiểu tỉ lệ trẻ thất học, bỏ học...
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 3 trường đại học (Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Tây Đô), 6 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp chuyên nghiệp, 63 trung tâm, cơ sở đào tạo nghề. Ngoài Đại học Cần Thơ, hầu hết các trường, trung tâm vẫn còn thiếu nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Theo kết quả khảo sát biến động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2013 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 46,63%; có chứng chỉ nghề và tương đương chiếm 28,24%; sơ cấp, trung cấp và tương đương chiếm 13,96%; cao đẳng, đại học trở lên chiếm 11,17%. Như vậy phần lớn nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của thành phố Cần Thơ hiện vẫn còn ở mức lao động phổ thông. Đây chính là một trong những rào cản làm kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hiện nay vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo so với mặt bằng chung của cả nước (chỉ cao hơn vùng núi và trung du Bắc bộ).
Theo Ths. Nguyễn Thị Vân, Giảng viên Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là: căn bệnh chạy theo thành tích khiến giáo viên dạy tủ, nâng điểm, dễ dãi trong coi thi... khiến chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống. Mặt khác do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chim trời, cá nước, cây trái đầy rẫy, khiến người dân sinh ra tâm lý “làm chơi, ăn thật”, tư duy nông nghiệp lạc hậu, không có chí hướng vươn lên. Công tác quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; chính sách thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao còn hạn chế .