Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khái niệm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải?

(15:46:38 PM 09/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Câu hỏi 40: Khái niệm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải? Đặc điểm đường cơ sở của Việt Nam?

 

 

Sơ đồ đường cơ sở thẳng của Việt Nam năm 1982

 

Đáp: Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đường cơ sở là căn cứ để xác định phạm vi, chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển khác như vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

 

Theo quy định tại điều 5 và điều 7 của Công ước, các quốc gia ven biển (không phải là quốc gia quần đảo) có hai loại đường cơ sở là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển hoặc ở nơi mà bờ biển cực kỳ không ổn định do có sự hiện diện của các châu thổ hoặc các đặc điểm tự nhiên khác thì áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, tức là phương pháp nối liền các điểm thích hợp để có thể sử dụng để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

 

Đường cơ sở thẳng được áp dụng trong ba trường hợp sau đây: Ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ.

 

Tuy vậy, đường cơ sở thẳng phải đáp ứng hai điều kiện quy định trong Công ước, đó là “tuyến các đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển” và “các vùng biển ở bên trong các đường có sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy” (khoản 3 điều 7).

 

Căn cứ theo Công ước, căn cứ theo địa hình bờ biển Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

 

Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.

 

Điều 8 của Luật Biển Việt Nam quy định “Đường cơ sở dung để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban thường vụ Thực hiện Điều này, thời gian tới đây chúng ta cần tiếp tục công bố bổ sung đường cơ sở thẳng trong vịnh Bắc Bộ và những khu vực khác.

(Ảnh tư liệu)

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG