Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thịt là một trong những thực phẩm được phát hiện có tỷ lệ nhiễm chì và asen cao. Ảnh: minh họa - Internet
Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 24-36 tháng tuổi ở các phường thuộc 4 quận nội thành Hà Nội, cho thấy: 12 loại thực phẩm như gạo, thịt lợn, rau muống… có tỷ lệ nhiễm chì và asen rất cao.
Cao quá ngưỡng cho phép
Nghiên cứu này được thực hiện trong vòng một năm (từ tháng 3/2009-3/2010) tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nhóm nghiên cứu lấy danh sách trẻ từ 24-36 tháng tuổi và các mẫu thực phẩm được mua ở chợ/siêu thị dựa trên thực đơn hàng ngày của trẻ tại một số trường mầm non. Kết quả xét nghiệm 12 mẫu thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của nhóm tuổi này cho thấy cho dù được rửa, sơ chế sạch sẽ trước khi nấu thì hàm lượng kim loại tồn dư trong thực phẩm vẫn còn cao quá ngưỡng cho phép của Bộ Y tế.
Theo đó, nhóm thực phẩm ăn hàng ngày bị nhiễm chì cao nhất là ở gạo, thịt lợn, rau muống, tôm dảo, cam, quýt... Thực phẩm vượt quá quy định của Bộ Y tế về cadimin (kim loại gồm sulfua lẫn với carbonat kẽm) nhiều nhất cũng có ở gạo, thịt lợn, thịt bò. Cadimin cũng xuất hiện tại các thực phẩm khác như trứng gà.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, lượng cadimin trong gạo chiếm tới 358%, trong sữa bột là 31% và trong cam là 15,6% lượng tối đa cho phép ăn vào hàng ngày của trẻ dưới hai tuổi (cân nặng trung bình 13kg). Còn trong thịt lợn đã lên tới 177,5%, thịt bò là 60,58%, tôm rảo là 35,73% và thịt gà là 6,84% so với lượng tối đa cho phép ăn hàng tuần của trẻ.
Với các kim loại nặng có độc như chì, cadimin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) từ năm 1999 đã đưa ra giới hạn tối đa ăn vào hàng ngày và hàng tuần tính theo trọng lượng cơ thể, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của con người.
Cuộc điều tra đã đưa ra kết quả tiêu thụ thực phẩm của trẻ có nhiều yếu tố nguy cơ cho sức khỏe. Hàm lượng chì ăn vào qua khẩu phần ăn của trẻ ở mức vượt quá đến 80% giới hạn tối đa ăn vào hàng ngày. Lượng cadimin đưa vào cơ thể chủ yếu từ gạo ăn hàng ngày với mức 358% giới hạn tối đa ăn vào hàng ngày và 178% giới hạn tối đa ăn hàng tuần.
Nhiễm chì sẽ giảm chỉ số thông minh
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ lẻ và thực phẩm lấy ngẫu nhiên từ các chợ/siêu thị chứ không phải lấy mẫu tại các bếp ăn của trường mầm non. Cũng theo PGS.TS Lâm, nguồn thực phẩm tại các chợ đôi khi không rõ nguồn gốc nên hiện tượng nhiễm độc kim loại nặng trong thực phẩm là khó tránh khỏi.
Đặc biệt, với tình trạng đô thị hóa hiện nay, thực phẩm như thịt gia cầm, gia súc dễ nhiễm khói bụi từ các công trình xây dựng, phương tiện giao thông, nguồn nước, nguồn đất ô nhiễm dẫn đến nguồn thực phẩm mất an toàn. PGS.TS Lâm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng, đặc biệt là gia đình có con nhỏ nên mua thực phẩm tại các cửa hàng/siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên PGĐ BV Nhi TƯ, ở trẻ em, chỉ cần sau một thời gian bị nhiễm chì ở nồng độ chì trong máu là 6mg/dl, quá trình chuyển hóa của tế bào não sẽ bị cản trở dẫn đến gián đoạn dẫn truyền thông tin giữa tế bào thần kinh và các tế bào khác. Kết quả não trẻ vẫn phát triển ở mức thấp, không đạt mức chuẩn về chỉ số thông minh, gây khó khăn cho trẻ trong học tập, tư duy.
Tuy nhiên, những biểu hiện này không xuất hiện ngay khi lúc nhỏ mà tạo tiền đề cho giai đoạn trưởng thành sau này. Các điều tra cho thấy có sự tương quan nghịch giữa sự tăng nồng độ chì trong máu và suy giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ. Cứ tăng 10mg/dl chì trong máu sẽ làm giảm IQ 5 điểm.
BS Lộc cũng cho biết, trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn vì có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Sau khi vào cơ thể, ở người lớn trên 94% lượng chì toàn cơ thể được tích tụ trong xương. Ở trẻ em do xương kém đậm đặc nên chỉ khoảng 64% tổng lượng chì được dự trữ trong xương, hậu quả để lại một lượng cao đáng kể chì trong máu, não và thận.
Cần thay đổi chế độ ăn nhằm bổ sung thêm các chất sắt và kẽm để ngăn chặn tình trạng hấp thu chì. Muốn đào thải chì ra khỏi cơ thể cần sử dụng thuốc D.penicillamine và DMSA qua đường uống. Dùng thêm calcium và vitamin D để làm tăng lắng đọng chì trong xương. Tuy nhiên phải được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng thuốc. - BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên PGĐ BV Nhi TƯ |