Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Cải lương là một trong ba thể loại ca kịch truyền thống mạnh nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tuy ra đời có chậm hơn so với tuồng, chèo, nhưng đã có tuổi đời gần 100 năm. Từ cái nôi Nam Bộ, bộ môn nghệ thuật đặc sắc mang bản sắc phương Nam nhanh chóng lan tỏa ra cả nước và trở thành một bộ môn nghệ thuật được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất trong suốt thế kỷ 20 cho đến ngày nay. Tuy có nhiều sách báo nói về cải lương, song chưa có một công trình nghiên cứu nào phân tích thật đầy đủ bản sắc nghệ thuật cải lương.
Với những tư liệu dày dặn, phong phú, được sưu tầm công phu, kỹ lưỡng và chuẩn xác qua sách, báo, qua phỏng vấn hàng loạt các nghệ sĩ gạo cội, tìm hiểu những yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để tìm ra sự hình thành sân khấu cải lương, cuốn sách đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh, tổng thể về lịch sử phát triển 100 năm của nghệ thuật cải lương trên khắp các vùng, miền của cả nước với những vở diễn nổi tiếng, những nghệ sĩ tài năng bên cạnh việc hình thành phong cách cải lương của hai miền nam, bắc. Nghiên cứu về góc độ âm nhạc trong nghệ thuật cải lương đòi hỏi sự quán triệt về mặt lịch sử hình thành và tiến trình phát triển vì có liên quan đến nguồn nhạc đã tạo ra cơ sở của nó, khi thể loại nghệ thuật đa dạng như cải lương luôn luôn làm mới trên nền tảng cái cũ và vấn đề âm nhạc trong sân khấu cải lương quan trọng hơn bất cứ loại hình sân khấu nào khác bởi đặc trưng của cải lương là giọng ca, tiếng đàn, bài bản. Nói đến cải lương, người ta nghĩ ngay đến tên tuổi một nghệ sĩ nào đó, họ trưởng thành trong nghệ thuật là nhờ vào giọng ca bài bản. Từ đó, tác giả đã đi sâu nghiên cứu bài bản cải lương, nhất là bản Dạ cổ hoài lang đã được ký âm để phân tích đến chi tiết tận cùng, từ đó tìm ra quy luật phát triển của bản vọng cổ không thể thiếu trong nghệ thuật cải lương.
Về nghệ thuật biên kịch cải lương, tác giả đã đi sâu phân tích hai vở diễn cải lương đầu tiên của soạn giả Trương Duy Toản, phân tích những điều đáng chú ý về nội dung và nghệ thuật viết kịch bản. Tiếp theo đó, tác giả đi sâu phân tích kịch bản cải lương các thời kỳ từ năm 1920 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi sau đó là thời kỳ 1945 - 1975 và từ năm 1975 đến nay, đưa ra đặc điểm nội dung kịch bản cải lương nói chung là: Cải lương - sản phẩm của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội; có khả năng thể hiện mọi đề tài, mọi thể loại nhân vật. Những ưu thế vượt trội là thể hiện đề tài tâm lý xã hội đương đại và các nhân vật đương đại với tính kịch và tính thương cảm trong nội dung kịch bản. Đặc điểm nghệ thuật của kịch bản cải lương là kịch bản của sân khấu tổng thể với hai mô hình kết cấu: kịch pha ca và kịch hát truyền thống của dân tộc. Vai trò của nghệ sĩ biểu diễn cũng được đề cập khá đầy đủ, các vở diễn đã gắn với tên tuổi của nghệ sĩ cùng số đông khán giả mến mộ. Một đặc trưng nghệ thuật biểu diễn được thể hiện rõ nét trên sân khấu cải lương là mối quan hệ chặt chẽ, nhịp nhàng giữa diễn, ca và nói. Không như một số sân khấu truyền thống khác, sự xung đột của các nhân vật không chỉ giải quyết trong những lớp đối thoại, đến khi vào bài ca thì xung đột ngừng lại nhường chỗ cho ca. Còn ở cải lương thì hoàn toàn khác, xung đột vẫn tiếp tục ngay trong lòng bài ca hoặc là lớp tự sự, độc diễn.
Phần mỹ thuật sân khấu cải lương được phân tích khá tường tận trong những vở diễn xưa kia và các vở diễn đoạt giải cao qua các kỳ hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc. Như vậy, bám sát lịch sử sân khấu cải lương, tác giả công trình nghiên cứu đã đi sâu vào từng khâu cụ thể và chia nhỏ từng thời kỳ cụ thể để vừa thấy được đặc trưng của từng khâu, đồng thời cũng diễn tả được những bước cải tiến của bộ môn nghệ thuật vốn luôn luôn đi tìm cái mới, bổ sung cái mới.
Trong khi phân tích những giá trị tinh túy của nghệ thuật cải lương, công trình nghiên cứu cũng chỉ ra mặt yếu kém, hạn chế của nó trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc xa rời hoặc làm sai lệch cái nền truyền thống. Sân khấu cải lương ngày càng thiếu những tác giả cải lương dẫn đến hiện tượng thiếu vắng kịch bản cải lương hay, buộc các đơn vị nghệ thuật phải tìm cách lấy những kịch bản kịch nói chuyển thể thành kịch bản cải lương. Do vậy phần âm nhạc sẽ phần nào bị giảm sút, không ăn khớp với đặc trưng của loại hình. Không ít đạo diễn dàn dựng cho sân khấu cải lương là đạo diễn kịch nói, do đó nhiều khi đã làm lệch lạc đặc trưng nghệ thuật cải lương. Diễn viên trẻ tuy được đào tạo chính quy ở nhà trường, nhưng phần lớn khi ra trường chưa được thuần thục các bài bản cải lương. Mỹ thuật sân khấu cải lương cũng không phát triển ổn định làm cho bản sắc dân tộc cải lương bị mờ dần.
Công trình nghiên cứu 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam đã bám sát quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương gần một thế kỷ qua, vừa tổng kết thực tiễn một cách khoa học, vừa lấy lý luận soi rọi cho thực tiễn đã mang tính ứng dụng cao. Công trình không chỉ giúp ích cho những nhà hoạt động thực tiễn đi sáng tác, đạo diễn, biểu diễn mà còn giúp cho việc đào tạo bộ môn cải lương ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước cũng như phục vụ cho đông đảo công chúng muốn tìm hiểu về bộ môn đặc sắc này.