(Tin Môi Trường) - Ở địa bàn tỉnh Yên Bái, người Tày tự hào với những câu hát Lượn, những điệu khắp cọi mượt mà tha thiết, người Thái có những đêm hạn khuống thắm đượm tình người, người Nùng tự hào bởi câu hát Phưn... thì người Cao Lan ở huyện Yên Bình lại có những làn điệu Sình ca ngọt ngào tha thiết làm say đắm lòng người. Đây là món ăn tinh thần vô giá, là cái hồn văn hóa tinh hoa của cha ông để lại. Nghệ nhân Lạc Tiên Sinh, ở thôn Khe Gầy (xã Tân Hương, huyện Yên Bình) là một người đang ngày đêm tâm huyết với việc gìn giữ và truyền dạy những làn điệu Sình ca này cho thế hệ mai sau.
( Ảnh minh họa )
Đến với Tân Hương, vùng quê xinh đẹp nằm bên hồ Thác Bà thơ mộng, gặp ông Sinh trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ông cho biết về sự ra đời của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Theo ông, Sình ca hay còn gọi là hát xướng cọ của người Cao Lan là do nàng Snang sáng tạo ra gắn liền với truyền thuyết về một tình yêu đẹp giữa nàng Snang xinh đẹp và chàng trai nghèo tên Rừng. Tình yêu không thành, nàng Snang bị gia đình ép gả cho nhà giầu. Vì không được sống bên người mà mình yêu thương nên nàng Snang đã rất đau khổ. Để vơi bớt niềm thương, nỗi nhớ, ngày ngày nàng Snang đã ứng tác ra những câu hát chan chứa yêu thương và nỗi nhớ da diết để gửi tới người yêu. Những câu hát đó được người Cao Lan yêu thích và gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Ông Sinh tâm sự: Khi còn là một cậu bé, ông đã rất yêu thích hát Sình ca và thường theo bà, mẹ đi nghe hát. Mỗi khi nhắc lại những kỉ niệm đó, trong tâm trí ông lại hiện lên những kí ức về những đêm hội, những ngày lễ, tết quê hương rộn ràng trong câu hát Sình ca. Người già, thanh niên nam nữ say mê hát đối đáp thâu đêm suốt sáng không biết mệt. Lời ca tiếng hát giúp họ xua tan đi những lo âu, mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả và tình làng nghĩa bản cũng gắn bó mật thiết hơn. Mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông đã có hàng chục năm chuyên đi sưu tầm và truyền dạy dân ca; trong đó có nhiều làn điệu hát mới của người Cao Lan và hát 36 đêm không hết.
Trong nhịp sống gấp gáp, hối hả, hiện nay, ông nhận ra rằng dân ca Cao Lan cũng như dân ca của những dân tộc khác đang dần bị mai một. Vì vậy, ông luôn đau đáu một nỗi niềm làm thế nào để những câu hát Sình ca không bị "mất" đi . Xuất phát từ những suy nghĩ đó, đầu năm 2009, ông quyết định thành lập đội văn nghệ thôn Khe Gầy nhằm quy tụ những nghệ nhân trong làng, xã và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ban đầu, đội văn nghệ do ông dẫn dắt chỉ có vài thành viên là những người có tuổi trong làng sau đó lên tới vài chục người. Việc tập hợp đồng bào tham gia câu lạc bộ thuận lợi hơn ông nghĩ, bởi người dân Cao Lan vốn rất thích hát Sình ca, nay có người khơi nguồn thế là niềm đam mê của họ lại bùng lên mãnh liệt.
Đến nay số thành viên tham gia đội văn nghệ ngày một tăng, trong đó có người đã ở tuổi xưa nay hiếm và cũng có cả những em nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường, phần đông vẫn là các nam nữa thanh niên và người trung tuổi. Vào những ngày thứ 7, chủ nhật hay những lúc rảnh rỗi họ lại quây quần bên nhau để cùng hát Sình ca. Dưới sự chỉ bảo tận tình của ông Sinh và các cụ cao niên trong làng hầu hết các thành viên trong đội đã có thể hát được nhiều làn điệu dân ca Cao Lan. Họ vui và tự hào khi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được khơi nguồn và gìn giữ. Không chỉ luyện tập, truyền dậy cho nhau họ còn tổ chức được nhiều chương trình giao lưu văn nghệ có ý nghĩa với những xã lân cận tạo nên không khí vui tươi, ấm áp và thắm tình đoàn kết dân tộc.
Chị Triệu Thị Trương, thôn Khe Gầy phấn khởi: Chị tham gia đội văn nghệ này khi mới thành lập, chị thấy rất vui vì đến đây không chỉ được nghệ nhân Lạc Tiên Sinh dạy hát Sình ca mà còn được tham gia vào nhiều chương trình giao lưu với các vùng lân cận. Thông qua những buổi luyện tập, những buổi biểu diễn chị càng thêm yêu và tự hào về những làn điệu Sình ca của dân tộc mình...
Không biết từ khi nào, hát Sình ca xuất hiện trong kho tàng văn hóa của người Cao Lan. Đây là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp giao duyên, lời hát có từng chương, trai gái hát đối đáp giao duyên hết chương này sang chương khác, có thể hát thâu đêm mà chưa hết. Người Cao Lan thường hát Sình ca vào dịp năm mới, hát trong đám cưới, trong các ngày lễ hội, hát mừng nhà mới và họ cũng có thể hát ở bất cứ nơi đâu như trên nương, dưới ruộng hay ở ngoài đường và có nhiều chủ đề hát như hát mở đầu, hát vào bản, hát trên đường, hát mời thần ca hát. Phổ biến nhất vẫn là hát đối, còn gọi là hát giao duyên giữa hai bên nam nữ để thổ lộ tâm tình. Thường thì chàng trai bao giờ cũng hát trước: “Trên trời có đám mây vờn trắng/ dưới thung có đóa mẫu đơn xinh/ Trăng lên hoa lại càng xinh xắn. hỏi hoa tên họ để tâm tình”. Thế rồi người con gái đáp lại: “Tên em là một loài hoa. nhà cửa chẳng có, họ hàng thì không/ Sinh thời từ thủa xa xưa, mẹ em là đất, cha em là trời”. Cũng từ những lời hát trao duyên mộc mạc giản di nhưng chân thành, tha thiết mà nhiều đôi trai gái đã thầm kín trao đổi tâm tình ấp ủ bấy lâu để rồi nên vợ nên chồng và gắn bó hạnh phúc bên nhau.
Sình ca Cao Lan được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ít khi có nhạc đệm mà chủ yếu là do tài ứng khẩu của người hát nên việc gìn giữ gặp không ít khó khăn. Ông Sinh biết trong dân gian hiện nay còn rất nhiều bài hát chưa được phổ biến rộng rãi do bị thất lạc hoặc do một vài người đã có tuổi cất giữ. Chính vì thế những lúc rảnh rỗi ông lại đi hỏi thăm, tìm hiểu, ghi chép và sưu tầm những cuốn sách cổ. Như con ong chăm chỉ, cần mẫn, đến nay ông đã ghi chép được hàng trăm bài hát từ các cụ cao niên trong vùng. Đó là nguồn tư liệu quý giá giúp ông hoàn thành tâm nguyện lớn lao là truyền dạy được nhiều hơn nữa dân ca cho thế hệ trẻ. Ông cũng như các thành viên trong đội văn nghệ đều có mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm từ các đoàn thể và chính quyền địa phương để đội văn nghệ ngày càng lớn mạnh, thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con nhất là các bạn trẻ và tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa phục vụ đồng bào.
Người dân ở đây vẫn nói vui ông Lạc Tiên Sinh là người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", dù không nhận được một chút thù lao hay trợ cấp nhưng ông vẫn tha thiết với việc sưu tầm và truyền dậy dân ca Cao Lan bởi công việc đó mang đến cho ông niềm vui, nguồn động viên tinh thần to lớn. Quan trọng hơn cả là tình cảm và sự yêu mến của bà con dành cho ông để ông thấy mình đã sống và làm việc thật có ích.
Ông Thạch Ngọc Chức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Hương, Huyện Yên Bình cho biết: Trải qua thời gian, Sình ca Cao Lan cũng mai một đi rất nhiều. Hiện nay, cũng nhờ có sự tâm huyết của ông Lạc Tiên Sinh mà tiếng hát của dân tộc Cao Lan đang được khôi phục. Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với đội văn nghệ thôn Khe Gầy để nhằm giữ gìn và phát triển những làn điệu sình ca - bản sắc và nét đẹp của bà con nhân dân các dân tộc Cao Lan.
Sau nhiều năm gắn bó với việc sưu tầm và truyền dậy dân ca cho thế hệ trẻ, ông Lạc tiên Sinh đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, góp phần khơi dậy và thắp sáng niềm đam mê dân ca trong tâm hồn người dân tộc Cao Lan. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông cũng như người dân đồng bào Cao Lan ở đây luôn mong muốn những làn điệu Sình ca ngọt ngào, tha thiết sẽ mãi ngân vang trên miền quê yên ả thanh bình này và lắng đọng trong tâm hồn mỗi người, trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.