Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh vừa chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng UBND huyện Tuy An điều tra cụ thể số hộ lấn chiếm di tích đầm Ô Loan, đồng thời cắm mốc chỉ giới thực địa để đề nghị Bộ VH-TT-DL điều chỉnh lại khu vực bảo vệ.
Lấn chiếm “theo truyền thống”
Đầm Ô Loan là một danh thắng nổi tiếng với diện tích tự nhiên lên đến trên 1.570 ha, có nhiều loài thủy đặc sản lừng danh nhưng đang “chết” dần vì tình trạng lấn chiếm trái phép và ô nhiễm.
Có giai thoại rằng trên đường thiên lý Bắc - Nam, lần nào đi qua vùng đầm nước lợ Ô Loan, cụ Tản Đà nổi tiếng phong lưu bao giờ cũng dừng lại để thưởng thức cho bằng được 2 món sò huyết và hàu. Câu thơ Đa tình con mắt Phú Yên cũng có từ thuở ấy khi cụ phải lòng một cô gái chuyên bơi thuyền bắt hàu, sò.
Nhiều nhà dân xây cất lấn chiếm đầm Ô Loan, xả thải trực tiếp xuống nước
Tháng 9-1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng đầm Ô Loan là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Bộ quy định khu vực bảo vệ 1 (nghiêm ngặt) phải giữ nguyên trạng toàn bộ 1.200 ha mặt nước và bờ đầm, tính từ mép nước lên 10 m. Tuy nhiên, dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng với khoảng 500 hộ dân ở các xã An Cư, An Hiệp, An Ninh Đông, An Hòa và An Hải, huyện Tuy An lấn đầm xây nhà và hơn 300 ha bị người dân đắp hồ nuôi tôm thì diện tích mặt nước thông thoáng còn lại của đầm không quá 800 ha.
Tại xã An Cư, khoảng 360 hộ dân đã xây nhà nằm trọn trong diện tích khu vực bảo vệ 1. Không chỉ trên bờ, nhiều hộ còn xây kè đá, đổ đất lấn ra đầm đến hơn 10 m để xây nhà kiên cố.
Bà Huỳnh Thị Sanh - ngụ thôn Tân Long, xã An Cư - cho rằng việc lấn đầm xây nhà ở đây là “theo truyền thống”. “Người trước làm được thì người sau cũng làm được, phải lấn đầm chứ đất đâu cất nhà? Xã đến lập biên bản, buộc cam kết khi nào giải tỏa sẽ không đền bù thì người dân cũng cam kết vậy thôi” - bà phân trần.
Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã An Cư, than khó trong việc giải quyết tình trạng lấn chiếm di tích để xây nhà. Việc lấn chiếm đầm Ô Loan xây nhà đã diễn ra từ trước năm 2000 và kéo dài đến nay. Xã chỉ lập biên bản xử phạt các hộ lấn chiếm xây nhà mới đây nhưng không thể giải tỏa.
Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, lãnh đạo huyện vừa tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm đầm Ô Loan. “Số nhà lấn chiếm thì nhiều. Người dân không có chỗ ở nên mới lấn chiếm. Tôi nghĩ phải tính đến việc xây dựng khu tái định cư để đưa họ ra khỏi di tích này” - bà Lê nói.
Túi đựng rác khổng lồ
Hầu hết những hộ lấn chiếm di tích Ô Loan đều không xây nhà vệ sinh, chất thải phần lớn phải xả ra đầm. Cùng với đó là rác thải sinh hoạt của gần 50.000 người sống ven đầm, làm cho Ô Loan trở thành cái túi đựng rác khổng lồ.
Trong khi đó, cửa đầm thông ra biển ngày càng bị bồi lấp. Nguồn nước đầm không còn dễ lưu thông ra biển khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng. Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống bằng nghề chài lưới ở Ô Loan, các loài thủy sản bị hủy diệt là do các hồ nuôi tôm trong đầm.
“Trước khi nuôi tôm, người ta khoanh lưới rồi đổ thuốc tiêu diệt sinh vật gây hại cho tôm. Thuốc này lan ra ngoài làm nhiều loại thủy sản tự nhiên trong đầm chết theo. Có thời điểm cá chết trắng mặt đầm vì thuốc diệt tạp từ các hồ tôm” - ông Lê Văn Độ, ngụ xã An Hiệp, bức xúc.
Theo ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, thuốc diệt tạp trong các hồ nuôi tôm khi thải ra môi trường tự nhiên có khả năng giết chết tất cả các loài cua, cá. Nhiều loại nhuyễn thể vốn là đặc sản của đầm Ô Loan giờ không còn nữa, trong đó có sò huyết nổi tiếng.
“Năm 2012, khi chúng tôi kiểm tra đầm Ô Loan thì sò huyết không còn con nào. Cá mú, hàu, điệp cũng còn rất ít” - ông Hiệp lo ngại. Hiện nay, du khách đến Phú Yên vẫn luôn được các nhà hàng chào mời món sò huyết Ô Loan. Tuy nhiên, chỉ có một ít sò huyết được mang từ nơi khác về, ươm nuôi trong đầm vài tháng trước khi bán, còn phần lớn là sò tứ phương.
Bà Phạm Thị Thùy Lê thừa nhận việc trước đây cho phép một số hộ nuôi tôm trong đầm là sai lầm. Càng sai lầm hơn khi địa phương không quản lý nổi, để các hộ dân lấn chiếm, mở rộng diện tích nuôi tôm trái phép ngày càng nhiều, dẫn đến việc giải tỏa sẽ rất khó khăn. “Chúng tôi tính vụ tới sẽ không cho phép nuôi tôm ở đầm Ô Loan nữa” - bà Lê khẳng định.
Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho rằng cần phải giải quyết triệt để việc lấn chiếm đầm Ô Loan. “Phải thống kê lại, trường hợp lấn chiếm trước khi đầm được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia thì tạm thời để tồn tại, sau đó nếu có điều kiện thì giải tỏa. Với trường hợp lấn chiếm sau khi Ô Loan được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996 thì huyện Tuy An phải giải tỏa để trả lại hiện trạng ban đầu” - ông Tiến đề xuất.
Theo ông Tiến, sau Tết, Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên sẽ tiến hành xác định ranh giới thực địa của đầm Ô Loan để huyện Tuy An có cơ sở giải tỏa những hộ lấn chiếm.
Vét sạch con giống tái tạo
Ông Lê Quang Hiệp cho biết để tái tạo một số loài thủy đặc sản của đầm Ô Loan, gần 10 năm nay, Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên liên tục thả các loại giống tôm đất, ghẹ xanh, cá mú, sò huyết, hàu, điệp... xuống đầm nhưng bị người dân bắt sạch khi chúng chưa kịp trưởng thành, sinh sản.
“Cuối năm 2012, trung tâm thả hơn 2 triệu con giống sò huyết xuống đầm. Từ khi con giống sò huyết thả xuống bằng hạt bắp đến khi trưởng thành, bắt đầu sinh sản phải cần 8 tháng nhưng chỉ mới 3 tháng, người dân đã bắt sạch nên không thể tái tạo” - ông Hiệp băn khoăn.