(Tin Môi Trường) - Ông Nguyễn Công Vạng, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Ngày 3/1/2013, Bảo hiểm Xã hội Yên Bái có văn bản gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo và xin ý kiến về việc thu lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội phần phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhưng đến nay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa có ý kiến trả lời chính thức về nội dung này.
( Ảnh minh họa )
Nhưng trên thực tế, Bảo hiểm Xã hội Yên Bái đã tiến hành truy thu tiền lãi của giáo viên về việc chậm đóng bảo hiểm phần phụ cấp này. Việc làm đó khiến dư luận bức xúc.
Ngày 4/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định: "Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên”, mức phụ cấp thâm niên được tính bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011.
Đến ngày 30/12/2011, liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới ban hành Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Theo Thông tư này, tại khoản 1 Điều 4 ghi rõ: “Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2012”. Còn Khoản 2 ghi: “Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 1/5/2011”. Thông tư hướng dẫn còn ghi rất cụ thể đến việc giáo viên được truy lĩnh phụ cấp thâm niên là đúng theo quy định của pháp luật.
Qúa trình xét duyệt hàng ngàn giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên phải qua nhiều cấp, nên cần có thời gian nhất định, giáo viên phải truy đóng bảo hiểm xã hội đối với phần phụ cấp thâm niên là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội về phần phụ cấp thâm niên do các Bộ có liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn chậm, đơn vị sử dụng lao động (các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục...) triển khai việc xét duyệt người được hưởng thâm niên giảng dạy phải có thời gian nhất định nên việc giáo viên được thụ hưởng thâm niên chậm cũng là điều dễ hiểu. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái cũng đã thừa nhận, đóng chậm bảo hiểm xã hội không phải giáo viên hay người sử dụng lao động cố tình chây ì mà vì những lý do trên.
Nhưng không hiểu sao Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái lại sốt sắng thu khoản tiền lãi này, trong khi cả nước chưa có địa phương nào làm việc đó (thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết). Để làm việc này, Bảo hiểm Xã hội Yên Bái đã đưa ra lý do là áp dụng khoản 2 Điều 134, khoản 3 Điều 138 Luật Bảo hiểm Xã hội để buộc giáo viên phải trả tiền lãi đối với số tiền phụ cấp thâm niên chậm đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó việc đóng bảo hiểm xã hội chậm đối với số tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo không phải là lỗi của giáo viên.
Được biết, nếu tổ chức, cá nhân cố tình đóng bảo hiểm xã hội chậm thì việc truy thu tiền lãi đóng bảo hiểm xã hội là đương nhiên. Trong hợp này, giáo viên được nhận tiền truy thu phụ cấp thâm niên chậm chứ không phải họ đã nhận được tiền phụ cấp thâm niên mà cố tình không đóng bảo hiểm xã hội về khoản tiền này. Còn trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động (các trường học hoặc phòng giáo dục các huyện, thị) chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên thì họ phải trả lãi chứ không phải giáo viên.
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái: Tổng số tiền lãi mà Bảo hiểm Xã hội Yên Bái thu của giáo viên do đóng thâm niên chậm năm 2012 và 2013 là 4,266 tỷ (lấy tròn số), giáo viên đã trả 1,289 tỷ, còn nợ là 2,155 tỷ. Để trả được số tiền này, nhiều trường phải trích kinh phí từ các hoạt động khác để nộp cho Bảo hiểm Xã hội nên đã ảnh hưởng tới các hoạt động của đơn vị. Nhiều giáo viên bức xúc, với số tiền thâm niên ít ỏi vừa được lĩnh đã phải "cắn răng" nộp lãi cho Bảo hiểm Xã hội.
Thực tế cho thấy, việc nộp chậm tiền Bảo hiểm Xã hội về phụ cấp thâm niên là do các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan ban hành chậm, nên các đơn vị chủ quản của giáo viên không thể "cầm đèn chạy trước ô tô" để trả tiền truy thu phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng chưa có ý kiến trả lời chính thức về việc thu lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội phần phụ cấp thâm niên nhà giáo ở Yên Bái. Việc thu tiền lãi nói trên phải chăng đây là qui định riêng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái.