Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tăng cường công tác dự báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam

(08:19:19 AM 30/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Hiện nay, trên thế giới, việc nghiên cứu tai biến địa chất được đầu tư rất sớm, nhiều phương pháp khoa học tiên tiến đã được áp dụng vào công tác dự báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá. Ở Việt Nam, vấn đề này mới chỉ được chú trọng khoảng 15 năm gần đây khi thảm họa thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Các nghiên cứu về trượt lở đất đá ở Việt Nam mới chỉ áp dụng trên diện rộng, tỷ lệ nhỏ, chủ yếu phân vùng dự báo định tính, còn rất thiếu các công trình điều tra đủ chi tiết để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

 

 ( Ảnh minh họa )

 

TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Địa chất Khoáng sản cho biết, Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/3/2012 đã góp phần hỗ trợ hiệu quả công tác quy hoạch, cảnh báo nguy cơ và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 


Đề án tập trung điều tra và thu thập tài liệu từ tất cả các nguồn thông tin, chuẩn bị cơ sở dữ liệu đầu vào cho các bước tiếp theo như: Điều tra hiện trạng trượt lở đất đá, đo vẽ địa hình bổ sung và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000, giải đoán ảnh viễn thám, thành lập các bản đồ thành phần và phân bố mưa gây trượt lở đất đá. 
 
Hiện nay đã có 10 tỉnh miền núi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thanh Hóa và Nghệ An được điều tra, cảnh báo hiện trạng trượt lở đất đá với tổng diện tích điều tra gần 60.000 km2. Đề án này đã xác định được gần 9.000 điểm trượt có quy mô và mức độ nguy hiểm khác nhau, gần 3.000 điểm trượt nghi vấn phát hiện được từ việc phân tích địa hình trên mô hình lập thể số và giải đoán ảnh máy bay. Sản phẩm chính của công tác này là các bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 được xây dựng cho từng huyện miền núi thuộc 10 tỉnh nói trên. 

Đề án đã cơ bản hoàn thiện công tác thu thập tài liệu, phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000, ứng dụng công nghệ viễn thám để thành lập các bản đồ thành phần; xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu không gian và Web-GIS phiên bản thứ nhất về trượt lở đất đá; thực hiện công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các lớp tập huấn cho các cán bộ đoàn, đội các cấp của 22 tỉnh miền núi phía Bắc. 

Năm 2014, Đề án sẽ tập trung hoàn thiện công tác tổng hợp tài liệu, cơ sở dữ liệu không gian và Web-GIS quốc gia về trượt lở đất đá, phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000 cho các tỉnh miền núi còn lại; xây dựng các mô hình đánh giá, phân vùng nguy cơ, và thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho các tỉnh đã khảo sát. Bên cạnh tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn khoa học cho các cán bộ nòng cốt, Đề án tăng cường hoạt động giáo dục cộng đồng, từng bước chuyển giao các sản phẩm về địa phương theo mục tiêu đã đề ra.
Thanh Hương ( TTXVN )