Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biến gầm cầu thành công viên

(08:05:43 AM 30/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Một số gầm cầu tại TP.HCM đã được cải tạo thành các công viên xanh mát, là nơi người dân có thể thư giãn, tập thể dục, hóng mát.

 

Người dân ngủ trưa dưới gầm cầu Calmette - Ảnh: Đình Sơn


Buổi trưa, dưới chân cây cầu Calmette nối Q.1 với Q.4 cây cối xanh mướt, nhiều người dân mang võng, ghế bố ra ngủ. Tại đây, một phần lớn diện tích được trồng cây xanh, một phần được dùng làm nơi giữ xe. Phó bí thư Đảng ủy P.9 (Q.4) Trương Văn Quý kể, trước đây khi chưa làm cầu và công viên, nhà cửa người dân lấn ra sông. Đến mức dân sống bên Q.4 chỉ cần bắc một cây gỗ làm cầu là bước qua được Q.1. Từ ngày gầm cầu thành công viên, người dân ở đây rất phấn khởi. “Tối nào phường cũng cho người đi tuần tra, nếu thấy thanh niên tụ tập ăn nhậu là không cho. Tuy nhiên, cũng cần thêm một vài ghế đá để bà con ngồi hóng mát”, ông Quý đề xuất.


Cách đó không xa, gầm cầu Nguyễn Văn Cừ nối Q.5 với Q.8 cũng được phủ xanh và trở thành nơi người dân tập thể dục, hóng mát... Cầu vượt ngã tư An Sương (Q.12) trước đây là ổ tệ nạn, dân nghiện thường tụ tập về đây hút chích. Nhưng từ khi gầm cầu được cải tạo thành công viên, những tệ nạn trên đã hết.


TP.HCM còn một số gầm cầu trên đại lộ Mai Chí Thọ, QL1A, xa lộ Hà Nội… cũng đã được cải tạo như vậy, giúp tăng mảng xanh cho thành phố.


Tạo khoảng xanh kết hợp với bãi đậu xe


Cách làm này của TP được người dân đánh giá cao, nhưng số lượng cầu được xanh hóa còn ít. Công ty TNHH MTV công trình cầu phà TP.HCM hiện quản lý 432 cây cầu nhưng chỉ mới có 8 cây cầu được phủ xanh. Theo ông Trần Minh Trung -  Phó giám đốc công ty, muốn tăng thêm cầu được xanh hóa phải giải quyết được tình trạng chiếm dụng gầm cầu làm nơi buôn bán, sinh hoạt, cư ngụ…


Công ty công trình cầu phà TP.HCM đã tăng cường tuần tra, báo cáo các trường hợp lấn chiếm, tệ nạn xã hội cho các cơ quan chức năng hỗ trợ giải tỏa. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra rút đi, gầm cầu lại bị tái chiếm, chính quyền địa phương thì thiếu kiên quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.


“Công ty cầu phà cũng chỉ là một doanh nghiệp, nguồn vốn công ty, kể cả vốn ngân sách cũng hạn hẹp, trong khi việc đầu tư xanh hóa gầm cầu cần rất nhiều thời gian, ít nhất 5 - 7 năm mới có thể thu hồi vốn”, ông bày tỏ.  Vì vậy, theo ông Trung, UBND TP, Sở GTVT cần mạnh dạn cho tư nhân tham gia đầu tư cải tạo mảng xanh gầm cầu.


Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, chia sẻ: “Tại nhiều nước, chính quyền  thường dùng vốn ngân sách để đầu tư tạo khoảng xanh kết hợp với bãi đậu xe. Còn ở VN, nếu ngân sách gặp khó khăn thì nên xã hội hóa để tạo mảng xanh đồng thời giải quyết tình trạng thiếu chỗ đậu xe trầm trọng như hiện nay”.


Phó giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho rằng: "Nếu xã hội hóa thì doanh nghiệp, tư nhân tham gia phải có nguồn thu để bù vào khoản kinh phí bỏ ra đầu tư cải tạo đồng thời có lợi nhuận. Nguồn thu ở đây từ việc tổ chức kinh doanh giữ xe, làm kho bãi chứa hàng hóa... Vì vậy, chúng tôi phải hết sức cân nhắc trong việc này, nếu cho tràn lan không khéo lại gây tác dụng ngược như cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị".

Theo TNO