Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện cả nước có 10,5 triệu ha rừng tự nhiên. Trong đó có 2 triệu ha rừng đặc dụng, 4 triệu ha rừng phòng hộ (là diện tích cấm khai thác), còn lại 4,5 triệu ha rừng tự nhiên nhưng cho khai thác có kế hoạch.
Giảm thu không lớn
Tuy vậy, trong năm 2014 sẽ kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác để rừng phục hồi. Việc đóng cửa rừng sẽ giảm thu khoảng hơn 200 tỉ đồng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung chuyển 65 công ty lâm nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng tự nhiên sang mô hình các đơn vị công ích sự nghiệp có thu, sắp xếp và bố trí công việc cho khoảng 3.000 lao động đang làm việc tại các công ty này.
“Việc bố trí lại 65 công ty lâm nghiệp chỉ làm giảm thu 220 tỉ đồng. Đây là số tiền không lớn và chỉ sắp xếp khoảng 3.000 lao động thì chúng ta đều có thể làm được. Như Vinashin trước đây có hơn 10.000 lao động dôi dư mà chúng ta còn sắp xếp được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Nhiều nỗi lo
Chiều 28-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động. ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông (tỉnh Nghệ An, đơn vị hiện có 60 nhân viên đang được giao quản lý và bảo vệ 8.500 ha rừng), cho rằng quyết định đóng cửa rừng toàn quốc nếu thực thi sẽ đem lại nỗi buồn rất lớn cho ngành lâm nghiệp.
Theo ông Sơn, người đã 33 năm gắn bó với ngành lâm nghiệp, nếu đóng cửa rừng không có lộ trình sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường. Đó không chỉ là câu chuyện chuyển đổi, sắp xếp việc làm cho những lao động ở các công ty lâm nghiệp mà quan trọng hơn, đó là chuyện giữ rừng. Nếu đóng cửa rừng tự nhiên thì tới đây, cuộc chiến bảo vệ rừng sẽ cực kỳ khốc liệt. Hằng năm, tỉnh chỉ hỗ trợ tiền quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên và rừng sản xuất thì chủ rừng phải tự tìm nguồn kinh phí để bảo vệ.
Ông Sơn cũng khẳng định không có nguồn nào khác ngoài việc lấy kinh phí còn dư từ khai thác gỗ rừng tự nhiên theo kế hoạch được giao hằng năm. Vì vậy, nếu đóng cửa rừng lúc này, các công ty lâm nghiệp sẽ không có tiền để trả công thuê người bảo vệ thì rừng tự nhiên bị mất là chắc chắn. Công sức từ mấy chục năm nay bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp sẽ mất đi. Điều này có nghĩa nhà nước mất nhiều hơn được.
Ông Phùng Thế Tải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp ĐạTẻh (tỉnh Lâm Đồng), cho biết huyện ĐạTẻh đã đóng cửa rừng tự nhiên cách đây mấy năm. Tiền bảo vệ rừng do tỉnh cấp về nhưng chỉ bảo đảm được 50% kinh phí chi trả bảo vệ rừng. Do không được khai thác rừng tự nhiên nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp ĐạTẻh rất khó khăn về tài chính cũng như việc quản lý bảo vệ rừng.
Phải thực thi
Ông Cao Chí Công - Vụ trưởng Vụ Sử dụng rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng việc đóng cửa rừng là nhằm quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên trong toàn quốc, chấn chỉnh việc khai thác gỗ một cách tràn lan. Tuy nhiên, cần có lộ trình bởi nếu không sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Theo ông Cao Chí Công, những hệ lụy có thể gặp phải khi thực hiện là 3.000 lao động ở các công ty lâm nghiệp và hàng chục ngàn lao động thời vụ ở các địa phương sẽ không có việc làm. Các công ty lâm nghiệp không có nguồn thu để quản lý bảo vệ rừng; nếu không có kinh phí đầu tư của nhà nước thì 65 công ty lâm nghiệp này sẽ có nguy cơ phải giải thể. Ngoài ra, việc cấm khai thác rừng tự nhiên sẽ khiến nhiều người không muốn nhận bảo vệ rừng nữa bởi không có nguồn lợi gì nhiều.
“Việc đóng cửa rừng tự nhiên lần này là chính thức chứ không phải tạm thời. Tất cả đều phải thực thi và không có chuyện công ty này được khai thác hay công ty kia không được khai thác” - ông Cao Chí Công khẳng định.
Cần lộ trình
“Đóng cửa rừng tự nhiên phải có lộ trình vài ba năm. Những đơn vị không làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có phương án điều chế rừng giai đoạn 2010-2045 hoặc vi phạm quy trình khai thác, quản lý bảo vệ rừng kém hiệu quả thì đóng cửa rừng là hợp lý. Nhưng với những công ty lâm nghiệp bảo đảm các phương án nêu trên thì nên để họ tiếp tục khai thác rừng theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền duyệt và có sự giám sát, kiểm tra để tạo điều kiện cho họ tiếp tục đứng vững và phát triển” - ông Nguyễn Đức Sơn đề nghị.