Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sụt sịt khi giao mùa

(08:18:00 AM 28/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Ở thời điểm chuyển mùa, cơ thể những người không kịp thích nghi sẽ dễ mắc bệnh, nhất là với trẻ em và người lớn tuổi, sức đề kháng yếu.

 

Những loại củ - lá như gừng, tỏi, tía tô... có công dụng giảm ho, giảm viêm đường hô hấp khi giao mùa - Ảnh: Đ.N.Thạch - K.Vy 


Những ngày qua, ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nguyễn Trãi (TP.HCM), lượng trẻ em và người lớn đến khám về bệnh hô hấp nhiều hơn, mặc dù các bệnh viện chưa có thống kê con số cụ thể. Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, thời tiết lạnh dẫn đến các bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp xảy ra nhiều; lo nhất là bệnh cúm gia cầm trong mùa lạnh.     


Xử trí bằng cỏ cây, hoa lá


Theo lương y Vũ Quốc Trung, với những trường hợp mắc các bệnh cảm cúm, ho, viêm đường hô hấp thông thường do thay đổi thời tiết, chúng ta nên dùng các biện pháp chữa trị từ cây cỏ, hoa lá có trong vườn nhà, nhằm hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc.


Chẳng hạn, ta dùng gừng để diệt khuẩn. Gừng có hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh. Ta có thể dùng dưới dạng cháo gừng, trà gừng nóng, hay gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), giúp tiêu đàm trong viêm đường hô hấp. Hoặc có thể nấu canh thêm ít gừng để ăn giải cảm bằng cách: lấy 5 gr gừng tươi, 15 gr hành, 6 gr lá tía tô; hoặc gừng tươi 10 gr cắt lát, cải bẹ xanh 0,5 kg cắt đoạn, đem nấu canh chung với nhau. Cũng có thể lấy gừng tươi, tỏi (mỗi thứ 100 gr) rửa sạch, cắt lát đem ngâm trong 0,5 lít giấm ăn, đậy kín ngâm trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm, ho do thời tiết chuyển mùa, ta dùng 2 muỗng cà phê (10 ml) giấm ngâm gừng tỏi này.


Ngoài gừng còn có tỏi dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản cũng rất hay, nhờ tỏi có tính kháng khuẩn, tiêu đàm... hoặc hành có công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp. Hành, tỏi thường được dùng phối hợp trong chế biến các món ăn để giải cảm.


Bên cạnh đó, còn vận dụng các loại lá như: hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô, gừng, lá lốt... để xông nếu bị cảm cúm lúc giao mùa. Đây là những loại lá có chứa tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi do đun nóng.


Với trẻ em và người cao tuổi, cần giữ ấm cơ thể cơ thể khi thời tiết đang lạnh như hiện nay, để tà táo, phong hàn không xâm nhập cơ thể mà gây các bệnh nói trên.

Khánh Vy (TTO)