(Tin Môi Trường) - Núi Phja Dạ thuộc địa phận xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có độ cao gần 2.000 m 2 , nên được mệnh danh là “nóc nhà” của tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những xã khó khăn nhất của cả nước, chưa có điện lưới quốc gia, giao thông hiểm trở, xe ô tô không vào được. Sự nghiệp "trồng người" gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thầy trò nơi đây vẫn đoàn kết, kiên cường, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.
( Ảnh minh họa )
*Trèo núi 8 cây số mới đến trường
Sáng sớm, khi những làn mây trắng xà xuống Phja Dạ, tiếng trống trường gióng lên tùng… tùng… vọng khắp thung lũng, vẳng lên xa tít đỉnh núi. Lác đác từng tốp trẻ từ các đường mòn trong rừng đi ra. Nhìn lũ trẻ đến là thương, em nào cũng đeo lủng lẳng nắm cơm gói lá rừng để ăn bữa trưa. Thầy Hoàng Văn Dỉa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Lập bảo: Các em đến học muộn không phải do ý thức kém mà đó là vì nhà các em quá xa... Ở đây có tới hơn 80% học sinh phải đi bộ trèo núi từ 5 - 8 km mới đến được trường.
Em Phùng Văn Páo, học sinh lớp 8, nhà ở Bản Oóng, cách trường 8 km cho biết, sáng nào cậu cũng ngủ dậy trước khi gà gáy sáng để nấu mèn mén mang theo ăn dọc đường. Trong bản của Páo, người từ 10 tuổi đã phải lên rừng làm nương rẫy kiếm cái ăn. Đến 13 - 14 tuổi, bố mẹ hỏi vợ, hỏi chồng cho, rồi có con nên ít người học đến THCS lắm.
Nghe chuyện của em Páo, thầy Dỉa nhìn xa xăm và nói: Tôi cũng là giáo viên cắm bản từ ngày đầu thành lập xã Sơn Lập nên rất hiểu hoàn cảnh học sinh. Ở đây, người dân vẫn đẻ nhiều để đi làm nương rẫy; đời sống khó khăn, sản xuất lạc hậu; nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn diễn ra phổ biến. Cha, mẹ các em nhiều người mù chữ, nhận thức hạn chế nên chưa coi trọng việc học hành của con em. Nhiều em bị bố mẹ bắt ép nghỉ học để lấy vợ lấy chồng. Có em muốn đi học nhưng bố mẹ không cho đi, uất ức quá định ăn lá ngón tự tử. Biết tin thầy giáo vội băng rừng cả đêm đến nhà thuyết phục cha mẹ em cho đi học, em đó mới thôi ý định quyên sinh. Để phát triển giáo dục, các thầy cô giáo phải kiên trì, vất vả nhiều năm ròng đến từng gia đình vận động các bậc cha mẹ cho con đi học. Đến nay, nhiều người lớn tuổi trong bản đã thay đổi nhận thức, cho con em đi học đều cả 3 bậc học. Tuy vậy, năm học 2012 - 2013, vẫn có gần 10 em bỏ học ...
Theo quy định, học sinh vùng khó khăn như Sơn Lập được hỗ trợ 70 nghìn đồng/tháng để mua sách vở, đồ dùng học tập, nhưng học sinh vẫn thiếu thốn đồ dùng, sách vở. Nguyên nhân là do nhiều ông bố bà mẹ nhận tiền thay con rồi đem tiền đó đi làm việc khác. Anh Hoàng A Tu, Trưởng xóm Khuổi Tâư xác nhận: Mình cũng có con đi học và được trợ cấp nên mình biết, có người nhận tiền học của con xong ra quán uống rượu say khướt mới về. Có người thì đem đi mua mỡ, dầu, muối… Nhà nào có 4 - 5 con đi học, mỗi kỳ học lấy tiền gộp lại được tiền triệu đi mua cả con bò nữa.
* Trò nghèo, thầy cũng khó...
Hoàn cảnh của học sinh đã khó khăn, cơ sở vật chất của nhà trường cũng khó khăn không kém. Hơn 10 lớp học tại trường chính, 4 phân trường và nhà giáo viên đều là nhà tạm... Bàn ghế học sinh được làm bằng cách lấy cột tre chôn làm chân, rồi kê ván lên. Mùa đông, lớp học gió núi thổi ù ù lạnh buốt, em nào cũng lạnh tím môi, răng đánh vào nhau run bần bật, thầy, cô giáo đốt lửa sưởi cho trò.
Trận lốc tháng 5 vừa qua, 2 phòng học và nhà giáo viên ở phân trường Bản Oóng bị tốc mái, các thầy cô giáo xin UBND xã bạt về che tạm đến bây giờ. Dưới chân núi Phja Dạ thường có gió lốc, mỗi khi mưa lốc nhà ở tạm giáo viên rung bần bật, tốc mái, ướt hết đồ đạc, giáo án. Các thầy cô chỉ còn nước chui vào gầm giường tránh cơn lốc. Cũng vì lớp học tạm sắp đổ, không có điện lưới nên nhà trường không dám xin trang thiết bị dạy học vì không thể bảo quản, mà cũng không có điện để dùng. Các môn học chủ yếu là dạy chay, giáo viên tự sáng tạo, giải thích cho phù hợp để học sinh hiểu. Môn nhạc, giáo viên tự bỏ tiền mua pin về chạy đài ghi âm băng đĩa, được xem là môn học hiện đại nhất ở trường.
Từ trường chính, chúng tôi leo mấy quả núi đến thăm Phân trường Bản Oóng, điều kiện còn khó khăn hơn...
Lớp học mầm non tuềnh toàng chỉ có mấy chiếc ghế nhựa cũ, không có đồ chơi, tranh ảnh… Trên bàn cô giáo là bộ 24 chữ cái và các con số do cô tự làm. Cô dạy bằng tiếng Tày, tiếng Mông rồi dịch ra tiếng phổ thông vì các cháu chưa biết tiếng Kinh. Thấy người lạ cho bánh kẹo, các cháu ngước nhìn bằng đôi mắt trong veo đến tội nghiệp.
Rời Bản Oóng, hình ảnh cô giáo Kinh vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Cô ân cần cầm tay các em tập viết từng nét chữ trên bảng. Cô bắt nhịp cho học sinh hát: “Hôm nay đi học xa, đường tương lai thật gần…”. Tiếng hát bọn trẻ cất lên trong trẻo vang xa tận đỉnh núi. Khó khăn là thế, gian khổ là thế nhưng các cô giáo, học sinh nơi đây vẫn đoàn kết, kiên cường và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.