Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Hà Nam siết chặt quản lý khai thác khoáng sản
(07:58:42 AM 27/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Hà Nam là tỉnh có số lượng và chủng loại khoáng sản khá dồi dào và phong phú, trong đó riêng đá vôi đã có tổng trữ lượng lên đến hàng tỷ m3. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản chưa thực sự hiệu quả.
( Ảnh minh họa )
Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tổng trữ lượng đá vôi ở Hà Nam vào khoảng 7,4 tỷ m3, trong đó đá vôi ciment chiếm khoảng 4,1 tỷ m3. Đá vôi tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng với trữ lượng của 8 khu mỏ chính lên tới trên 537 triệu tấn, nếu tính cả tiềm năng dự báo thì tổng trữ lượng vào khoảng 52.044 triệu tấn. Về tài nguyên đất sét, tỉnh có tổng trữ lượng gần 400 triệu tấn, trong đó đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng khoảng 331 triệu tấn, đất sét làm gạch ngói khoảng 62 triệu tấn. Ngoài ra, các loại khoáng sản khác như cát, than bùn, cũng có trữ lượng khá lớn.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 140 tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và chế biến khoáng sản. Trong số 208 mỏ, 160 mỏ đang có hoạt động khai thác và chế biến, bao gồm: đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi xi măng, mỏ sét xi măng và các mỏ sét gạch ngói, cát đất san lấp; 48 mỏ đang làm thủ tục để cấp giấy phép theo quy mô công nghiệp. Việc sử dụng khoáng sản chủ yếu dùng để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng.
Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trong và cả ngoài tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế, tính bền vững và nhất là đóng góp vào ngân sách Nhà nước tỉnh từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản chưa đúng với tiềm năng, xuất phát từ khâu quản lý còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Theo Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh, những năm qua, tình trạng thất thu thuế, phí từ hoạt động khoáng sản còn lớn, tình trạng khai thác không đúng quy trình, quy phạm, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, vượt mốc giới được giao vẫn tồn tại. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên. Việc phối hợp kiểm tra giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ...Chủ tịch UBND tỉnh, ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Hiện nay, đóng góp cho ngân sách từ khai thác tài nguyên khoáng sản là rất thấp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”.
Theo ông Dũng, ngay từ năm 2011, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thành đo đạc trữ lượng tài nguyên khoáng sản lần đầu. Tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng để mua sắm những máy đo chuyên dụng, hiện đại, để xác định trữ lượng khoáng sản. Đến nay đã có gần 100 mỏ được thăm dò để đánh giá trữ lượng. Dựa trên số những liệu đó, tỉnh sẽ khấu trừ và tính thuế khai thác theo sản lượng hàng năm. Ông Dũng cho biết: Tỉnh coi việc tăng cường quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2014 và các năm tiếp theo. Trước mắt, tỉnh sẽ tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản. Những khu vực chưa đấu thầu bán cho doanh nghiệp khai thác, tỉnh sẽ giữ nguyên trạng. Hà Nam cũng tiến đến xóa bỏ các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng vào năm 2015, như một biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương.