Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Tăng cường và hoàn thiện thể chế trong phát triển đô thị
(16:07:42 PM 26/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Tăng cường và hoàn thiện thể chế trong phát triển đô thị là một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến trong hội nghị triển khai thực hiện Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 26/12 tại Hà Nội.
( Ảnh minh họa )
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Để đảm bảo hệ thống đô thị Việt Nam phát triển vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt và yêu cầu bền vững lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” (QĐ số 445/QĐ-TTG) và “Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020” (QĐ số 1659/QĐ-TTg). Đây là những quyết định chiến lược quan trọng trong giai đoạn tích cực hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Muốn vậy, cần phải nhìn nhận một các toàn diện bối cảnh, thực trạng của đô thị Việt Nam, hệ thống thể chế, năng lực quản lý, chất lượng quy hoạch… và có những kế hoạch rất cụ thể trên cơ sở 6 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp đã được nêu trong Quyết định số 1659 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia. Hội nghị nhằm thúc đẩy việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp để phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Đến tháng 12 năm 2013, Việt Nam có khoảng 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị. Số lượng đô thị nhiều nhưng thực tế hơn 50% dân số đô thị lại tập trung chủ yếu ở 16 thành phố lớn là các đô thị loại đặc biệt và loại I. Những áp lực do quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và các vấn đề khác cần kiểm soát và điều tiết trong quá trình phát triển đều tập trung ở các thành phố này, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn này là phát triển các đô thị vừa và nhỏ thành những trung tâm của vùng miền. Đây cũng là cơ sở hỗ trợ các vùng nông thôn phát triển trong Chương trình Nông thôn mới. Hiện việc quản lý sử dụng đất đô thị một cách tiết kiệm, hiệu quả được xác định là một nhiệm vụ rất khó khăn trong giai đoạn phát triển thiếu kiểm soát vừa qua. Đặc biệt, vấn đề tăng cường và hoàn thiện thể chế trong phát triển đô thị được đặt lên hàng đầu.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị mới được Chính phủ ban hành là một bước đổi mới, là công cụ thích hợp trong quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ và các nhóm giải pháp của Chương trình phát triển đô thị Quốc gia mới chỉ là khởi đầu. Để triển khai Chương trình đồng loạt trên diện rộng khắp cả nước trong thời gian 7 năm còn lại năm đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa giữa các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và nỗ lực lớn từ Chính quyền địa phương.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền đô thị, nhà khoa học, chuyên gia đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị với nhiều giải pháp được đề xuất cụ thể. Từ thực tế thực hiện, một số địa phương đã chỉ ra được những nút thắt còn khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả.