Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Hà Nam : Trăn trở tìm mô hình sản xuất hiệu quả cho nông dân
(14:23:31 PM 26/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong cơ cấu kinh tế của Hà Nam, nông nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng trên 16% (2013) và có xu hướng giảm dần khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng có đóng góp lớn hơn vào kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có số lượng lao động đông đảo nhất. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Hà Nam xác định: Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đã và vẫn sẽ là một ưu tiên trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh cùng các sở ngành đã đưa ra các mô hình sản xuất nhằm giúp người nông dân tăng năng suất, hiệu quả, đồng thời nâng cao mức thu nhập, ổn định đời sống.
( Ảnh minh họa )
Đến nay, tỉnh Hà Nam đã đưa vào thực nghiệm 10 mô hình sản xuất nông nghiệp. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Mai Tiến Dũng, việc lựa chọn các địa bàn cụ thể để áp dụng thử nghiệm các mô hình sản xuất đều căn cứ trên điều kiện phù hợp về đất đai, truyền thống sản xuất, nhân lực của mỗi địa phương. Tỉnh sẽ tìm giải pháp để các địa phương phát huy được thế mạnh của mình thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn, cung ứng giống vật nuôi và thức ăn gia súc. Đại diện ngân hàng, cán bộ khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp cung cấp thức ăn gia súc và giống cây trồng đã nhiều lần gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với bà con nông dân; giải đáp, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách. Vì vậy đã giúp người nông dân yên tâm, tin tưởng thực hiện các mô hình. Ngoài ra, trong các chuyến công tác tại Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh đã tìm hiểu và nhận thấy nhu cầu nhập khẩu rất lớn của người tiêu dùng Nhật đối với rau đậu tương (cây đậu tương trồng lấy quả bánh tẻ), từ đó đã chỉ đạo thực hiện 2 mô hình chuyên về sản xuất giống rau này. Tuy vụ đầu tiên chưa được thực hiện do lý do khách quan, song tỉnh coi đây là một hướng đi nữa giúp người nông dân có thêm cơ hội tăng cao thu nhập và sẽ chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Việc vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đã dễ dàng hơn trước. Nhiều hộ chăn nuôi được ngân hàng cho vay đến cả tỷ đồng, như một số hộ chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục. Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cán bộ nhân viên phải chủ động tìm đến bà con nông dân, nghiêm cấm và xử lý thích đáng những trường hợp gây khó dễ cho người đi vay. Chỉ riêng trong năm 2013, tổng vốn ngân hàng cho bà con vay bổ sung đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất thấp (0,75%/tháng), đáp ứng cơ bản được nhu cầu về vốn cho sản xuất.
Bên cạnh đó, bà con nông dân còn được cung ứng trước về giống, phân bón, thức ăn gia súc. Cán bộ kỹ thuật đã đến từng địa phương để hướng dẫn, các công ty cho xe chở thức ăn đến từng nhóm hộ gia đình với mức giá ưu đãi.
Kết quả của những nỗ lực và cố gắng của lãnh đạo tỉnh đã mang lại những kết quả bước đầu rất khả quan. Hiện nay, tổng đầu lợn tại xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục đã lên đến gần 60.000 con. Người chăn nuôi không những trả được vốn và lãi vay ngân hàng mà nhiều hộ còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong vụ thu hoạch vừa qua, người dân xã Liên Sơn huyện Kim Bảng đã thu về hơn 900 triệu đồng từ 33,5 ha trồng cây bí đỏ Nhật Bản xuất khẩu, hiệu quả gấp 1,3 lần so với trồng lúa truyền thống... Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, bà con nông dân nhiều nơi đã mua được máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, giúp tăng cao năng suất, giảm được thời gian, công sức của bà con trong sản xuất và thất thoát trong thu hoạch. Một bước chuyển mới tại nhiều vùng quê Hà Nam đang ngày càng trở nên rõ rệt.