Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Việt Nam tiến tới “già hóa dân số”

(13:34:52 PM 26/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc diện nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay 70% người cao tuổi (NCT) không có tích lũy vật chất, 18% NCT sống trong hộ nghèo, 10% NCT sống trong nhà tạm. Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, vì vậy cần có những phương án chủ động đối phó với già hóa dân số.


Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)

 

70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất

 

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sau Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng người hơn 65 tuổi đạt 7% tổng dân số, sớm hơn dự báo sáu năm. Điều đó làm cho tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới.

 

Nếu như năm 2012, cứ 11 người dân mới có một người cao tuổi (tỷ lệ 11/1) thì theo dự báo đến năm 2029 tỷ lệ này là 6/1, và năm 2049 là 4/1.

 

Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn này với tốc độ nhanh chóng trong khi các điều kiện về tiềm lực kinh tế, an sinh xã hội còn chưa được chuẩn bị kỹ càng, đời sống vật chất của người cao tuổi còn nhiều khó khăn.

 

Trên 70% NCT Việt Nam sống với con, cháu trong khi quy mô gia đình Việt Nam chuyển mạnh từ gia đình truyền thống, nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân hai thế hệ. Xu hướng di cư mạnh mẽ của nhóm người trong độ tuổi lao động từ nông thôn ra thành thị học tập, lao động đã làm cho đời sống NCT ở nông thôn vốn khó khăn càng thêm khó khăn. Sẽ có một số lượng lớn các hộ gia đình “khuyết thế hệ”, chỉ bao gồm trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn bởi sự di cư của nhóm “thế hệ giữa”.

 

Đời sống vật chất của NCT còn nhiều khó khăn, hơn 68% người cao tuổi Việt Nam sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 70% NCT không có tích lũy vật chất, 18% NCT sống trong hộ nghèo, 10% NCT sống trong nhà tạm.

 

Hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ có khoảng hơn 30% NCT có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước, số còn lại phụ thuộc vào con, cháu và khả năng lao động của bản thân. 30% NCT không có bảo hiểm y tế, trong khi Quỹ hưu trí, tử tuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn.

 

Bên cạnh đó, NCT chiếm 10,2% tổng dân số hiện nay, rất nhiều trong số đó có khả năng lao động với kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng cao… nhưng hiện nay nước ta chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT nhằm phát huy vai trò, sự tiếp tục đóng góp của NCT.

 

Đáng nói, mặc dù tuổi thọ người Việt Nam cao nhưng số năm mắc bệnh tật lớn. Trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình. 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...

 

Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm, đặc biệt ở nhóm dân số cao tuổi nhất (hơn 80 tuổi). Điều đó đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT càng lớn trong khi NCT thường mắc các bệnh mãn tính và phải đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và chi phí điều trị cao. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này. Tại tuyến trung ương chỉ có một bệnh viện lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe NCT.

 

“Già hóa chủ động”

 

TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khẳng định, già hóa dân số không phải gánh nặng mà tạo nên những cơ hội, thách thức mới, vì vậy cần phát huy và chăm sóc người cao tuổi. Người cao tuổi từ 60 đến 75 tuổi đóng góp rất nhiều cho xã hội, là kho tàng kiến thức kinh nghiệm cho thế hệ sau.

 

Ông cũng cho biết, gần đây chúng ta có nhiều cuộc trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm cho chúng ta học tập. Cách đây 10 năm Hàn Quốc đã thành lập một ủy ban ứng phó với mức sinh thấp, thích ứng với già hóa dân số do Tổng thống làm trưởng ban. Hàn Quốc khuyến nghị, Việt Nam nên sớm làm điều này, không nên để quá muộn như Hàn Quốc.

 

Kinh nghiệm của Nhật Bản cũng cho thấy, năm 2010 Nhật Bản có 127 triệu dân, dự kiến sau 100 năm (tức 2110), Nhật Bản chỉ còn khoảng 42 triệu dân, tức 1/3 so với hiện nay, rất thiếu thốn nguồn nhân lực. Hiện nay ở Nhật Bản tỷ lệ người cao tuổi đã là 23,1%.

 

Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi đang là 7,1% và tăng lên nhanh chóng, trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm để thích ứng với già hóa dân số. Vì vậy, TS Dương Quốc Trọng cho rằng, cần phải chủ động bằng cách phát huy vai trò của người cao tuổi, thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người cao tuổi rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già.

 

Những trường hợp không có con hoặc con không có điều kiên chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc họ khi về già. Già hóa chủ động bao gồm các yêu cầu: dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường vật chất. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu này, khi tỷ lệ NCT tăng cao, chúng ta sẽ đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh cú sốc với giai đoạn này.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng, để đối phó với tốc độ già hóa dân số, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách kịp thời, phát huy tất cả các nguồn lực trong xã hội để chăm sóc người cao tuổi.

 

Riêng với ngành Y tế, Thứ trưởng cho biết, sẽ xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa, bao gồm viện lão khoa quốc gia và các khoa lão khoa tại các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, từng bước nâng cao và mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

An Nguyên (nhandan)