Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hải Dương nhân rộng mô hình xử lý nước thải sau chăn nuôi

(08:29:37 AM 26/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê Hải Dương hiện có 259 trang trại chăn nuôi lợn với tổng quy mô đàn lợn là 556.927 con. Nhiều hộ có quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn con lợn. Nước thải trong quá trình chăn nuôi của các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, không khí, đất và các sản phẩm nông nghiệp.

 

 

( Ảnh minh họa )

 

Trước thực trạng đó, Hải Dương đã thử nghiệm mô hình xử lý nước thải sau chăn nuôi bằng công nghệ Saibon của Nhật Bản tại trang trại nuôi lợn của gia đình ông Bùi Huy Hạnh (xã Thái Sơn, huyện Tứ Kỳ). Trang trại này có quy mô công nghiệp với tổng diện tích 3 ha, nuôi 1.200 con lợn nái sinh sản. Mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường gần 30.000 con lợn giống thương phẩm. Hàng ngày trang trại thải ra môi trường khoảng 60m 3 nước thải. Trước khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải sau chăn nuôi bằng công nghệ Saibon, trang trại đã xử lý nước thải bằng công nghệ hầm khí Biogas. Nguồn nước thải tại các chuồng trại được thu gom, chảy đến 3 hầm Biogas có tổng dung tích là 150m 3 , phân lợn được đóng bao bán cho nhân dân trồng rau màu ở một số huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc xử lý nước thải bằng hầm Biogas cho thấy môi trường ở trang trại và khu vực xung quanh vẫn bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

 

Nhằm giải quyết khối lượng nước thải lớn và đảm bảo vệ sinh môi trường, năm 2011 qua sự giới thiệu của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội với các chuyên gia Nhật Bản, Sở Khoa học và Công nghệ và gia đình ông Bùi Huy Hạnh đã tìm hiểu công nghệ và tiến hành đàm phán để tiếp nhận công nghệ Saibon. Công nghệ này đã được triển khai ứng dụng rộng rãi tại nhiều trang trại chăn nuôi gia súc ở Nhật Bản, sau 5 năm hoạt động liên tục gần như không phải thay thế và sửa chữa lớn. 

 

 

Công nghệ Saibon là mô hình xử lý nước thải sau chăn nuôi lợn gồm: xử lý cơ học như thu nước, tưới nước, bãi lọc…và kết hợp xử lý sinh học như nuôi giun đất, trồng cây lau sậy…Nước thải chăn nuôi được thu gom vào bể chứa tập chung, sử dụng máy bơm nước thải bơm trực tiếp vào bể chứa có lắp đặt thiết bị Saibon. Nước từ bể chứa này được chảy tới bể điều tiết phụ sau đó được chảy trực tiếp vào bãi lọc thông qua các van điều tiết nước. Phần dưới bãi lọc có đặt các ống có lỗ thu nước để thu toàn bộ nước thải sau khi lọc. Nước thải thu từ bãi lọc thứ nhất tiếp tục được bơm vào bể Saibon và vào bãi lọc tiếp theo đến bãi lọc cuối cùng. Phía trên lớp vật liệu lọc được trồng cây lau sậy và nuôi giun, tại đây quá trình xử lý vi sinh được diễn ra. Các quá trình xử lý vi sinh xảy ra tại tất cả các bề mặt bãi lọc. Nước thải sau khi được xử lý qua các bãi lọc, tại đầu ra của bãi lọc cuối cùng sẽ đảm bảo các yêu cầu về xả thải ra sông ngòi theo tiêu chuẩn Việt Nam. Với chi phí vận hành thấp, quy trình vận hành và bảo trì đơn giản, sử dụng công nghệ sinh học mà không dùng hóa chất, chất lượng nước thải đảm bảo các yêu cầu về xả thải ra sông ngòi theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

 

 

Sau khi tìm hiểu lợi ích, năm 2012, dự án "Ứng dụng công nghệ Saibon của Nhật Bản xây dựng mô hình xử lý nước thải sau chăn nuôi lợn" đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt thực nhiệm tại trang trại của gia đình ông Bùi Huy Hạnh với tổng mức đầu tư là 4,262 tỷ đồng, trong đó trang trại tự bỏ kinh phí 510 triệu đồng. Qua hơn 1 năm thực nghiệm, công nghệ đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho trang trại như chi phí cho việc vận hành và sửa chữa hệ thống xử lý nước thải rất thấp. Đặc biệt sau khi được hướng dẫn, trang trại của ông Hạnh đã có thể tự bảo trì hệ thống này... 

 

 

Công nghệ Saibon là một giải pháp hiệu quả, có thể áp dụng rộng rãi, góp phần giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Mạnh Tú