Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM, cho biết việc các "cô giáo" trường mầm non có những hành vi đánh đập, hành hạ gây đau đớn, tổn thương cho những đứa trẻ được chính các cô nuôi dạy tại trường là hết sức tàn nhẫn, không chỉ vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trẻ bị bạo hành còn rất nhỏ, hầu hết chỉ từ 0-5 tuổi. Đây là độ tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự, cũng chưa có nhận thức đối với các vấn đề xảy ra xung quanh mình, do đó trong thời gian trông giữ trẻ thì các cháu nhỏ là những đối tượng “lệ thuộc” vào bảo mẫu.
Các bảo mẫu là những người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi “bóp cổ”, “tát”, “đánh”, “dọa ném xuống nước”… đối với các cháu nhỏ không những gây ra đau đớn về thể xác, mà còn ảnh hưởng rất lớn về tinh thần của các cháu, có thể trở thành mầm mống dẫn đến sự phát triển sai lệch trong tâm lý, nhận thức của trẻ sau này.
Tuỳ vào trường hợp cụ thể, ví dụ như vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, TPHCM) xảy ra mới đây, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hành vi đánh đập, gây đau đớn, tổn thương cho các em nhỏ của các “bảo mẫu” có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hạ người khác” quy định tại Khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với khung hình phạt 1-3 năm tù. Đồng thời, các đối tượng phải có trách nhiệm bồi thường gia đình nạn nhân.
Còn theo luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, ngoài tội danh “Hành hạ người khác”, hành vi đối xử tàn ác với trẻ của các bảo mẫu trong vụ việc nêu trên là có hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần và thực hiện một cách cố ý... gây đau đớn về cả thể xác và tinh thần cho các cháu nhỏ, là có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, tuỳ theo tỷ lệ thương tật và hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Theo luật sư Trương Anh Tú, việc xác định tỷ lệ thương tật là căn cứ quan trọng trong việc định tội đối với người thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự, thì dù tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng phạm tội đối với trẻ em (điểm d) thì cũng đủ căn cứ để truy tố về tội danh Cố ý gây thương tích.
Để hạn chế tình trạng bạo hành đối với trẻ em, ý kiến các luật sư đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các hành vi hành hạ người khác để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra sau này.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ, siết chặt hơn quy định về mở trường mầm non, điểm giữ trẻ; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trường mầm non, cơ sở giữ trẻ để bảo vệ trẻ khỏi các hành vi xâm hại; bồi dưỡng nâng cao chất lượng của giáo viên mầm non và tuyên truyền giáo dục để các bâc phụ huynh có ý thức hơn trong việc tìm hiểu nơi trông giữ trẻ…