Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những hạng mục vừa được xây mới với tường bêtông, mái tôn, khung cửa sắt... trông rất tương phản với nét cổ kính của ngôi chùa cổ - Ảnh: Đ.Vịnh
Khu mộ phần của Đoàn Minh Huyên (1807-1856) - người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và được tín đồ tôn kính gọi là Phật thầy Tây An, một chí sĩ yêu nước có liên quan với lịch sử của chùa Tây An - cũng bị biến dạng - Ảnh: Đ.Vịnh
Vào khu vực chùa Tây An lúc này, thấy rõ những hạng mục vừa được xây mới với tường bêtông, mái tôn, khung cửa sắt... Nhiều vật thể kiến trúc được dán gạch men, sơn phết màu mè trông rất tương phản với vẻ cổ kính của một ngôi chùa cổ đã có gần 300 năm. Người dân cho biết khá nhiều chỗ đã bị thay đổi so với trước, nhà chùa tự ý tu sửa, phá bỏ nơi này làm mới nơi nọ với lý do là để... hợp phong thủy, khiến di tích được công nhận từ năm 1980 này không còn như xưa.
Di tích không có ban quản lý!
Mới đây, UBND TP Châu Đốc có công văn chấp thuận cho phép chùa lót gạch mới toàn bộ mặt sân, cải tạo lại các bậc thang, mở rộng đường lên xuống, tháo bỏ cột phướn. Khi nhà chùa bắt đầu đập bỏ cột phướn giữa sân, đông đảo người dân đứng ra ngăn cản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.
Ông Trần Quý Ly - cán bộ hưu trí - cho hay mặc dù được góp ý rất nhiều lần nhưng vị trụ trì chẳng đoái hoài. Thấy lâu nay nhà chùa cứ tự tiện đập bỏ, thay đổi thứ này thứ nọ trong di tích, nhiều phật tử vốn đã bất bình nên lần này kiên quyết ngăn chặn. “Bà con tiếp tục gửi đơn kiến nghị khắp nơi, đồng thời tuyên bố nếu tiến hành đập bỏ cột phướn sẽ kéo đông người đến... bao vây, đóng cửa chùa để bảo vệ di sản này cho bằng được” - ông Ly kể.
Trước bức xúc của người dân, ngày 16-12, Sở VH-TT&DL An Giang, UBND và một số ban ngành TP Châu Đốc đã mời họp dân tại UBND phường Núi Sam. Nhiều người đã đứng lên tố cáo việc nhà chùa tự ý chở cổ vật đi nơi khác, tự ý đập bỏ, thay đổi các vật thể, cấu trúc thờ phượng trong chùa. Những chuyện này đều được dân chụp ảnh, ghi nhận rồi báo với địa phương nhưng chẳng ai ngăn chặn, xử lý. Người dân còn đặt vấn đề về số tiền bá tánh cúng dường chẳng biết đi đâu về đâu. “Chùa đã là di tích quốc gia, là di sản chung nên đề nghị phải thành lập ban quản lý di tích để quản lý mọi thứ cho hợp lý, tốt hơn” - ông Nguyễn Hữu Sáng, một cán bộ hưu trí, kiến nghị. Đông đảo phật tử cũng phản ảnh hai vị sư ở chùa thường có những hành vi, lời ăn tiếng nói... không phù hợp, khiến bà con mất lòng tin, vì vậy cần thay đổi hai vị này.
Sẽ ngưng việc tu sửa, cải tạo
Về việc cải tạo một số công trình phụ mới đây ở chùa Tây An, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc Mai Minh Hùng cho biết sư trụ trì có tờ trình và được UBND TP chấp thuận. Trong đó, lý do đập bỏ cột phướn là để trống lối đi và sợ không đảm bảo an toàn vì cột này cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lên - giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - nhìn nhận UBND TP Châu Đốc không có thẩm quyền cho phép thay đổi, cải tạo các hạng mục ở di tích quốc gia như chùa Tây An. Sở vừa quyết định ngưng ngay việc cải tạo các hạng mục mà TP Châu Đốc đã chấp thuận. “Nếu thấy cần làm thì phải xin ý kiến của UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL về việc tu sửa thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo mỹ quan, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống” - ông Lên nói.
Cũng theo ông Lên, sau khi trực tiếp đến chùa Tây An kiểm tra, ông nhìn nhận nhiều hạng mục đã thay đổi, xây mới, từ đó làm mất mỹ quan, làm một phần di tích bị biến dạng. Nhà chùa dẹp bỏ Huân chương kháng chiến, lư hương của các vị tiền bối có công với cách mạng, có công với chùa...cũng sai trái. Đặc biệt, việc chưa lập ban quản lý di tích là thiếu sót lớn. Về số cổ vật trong chùa bị mất, Sở VH-TT&DL sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tới đây sẽ cho lập ban quản lý di tích theo đề nghị của dân. Còn những phản ảnh của người dân đối với hai vị sư, sở sẽ báo cáo, đề xuất Ban trị sự Phật giáo tỉnh xem xét.