Hầu hết các dự án cải tạo, phục hồi môi trường do UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt; tổng số tiền ký quỹ thấp, thiếu nhiều khoản chi phí, không đủ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi dự án kết thúc. Bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường không được thẩm định, phê duyệt cùng một thời điểm. Mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản phải ký một khoảng tiền tối thiểu bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng lại không có quy định về yếu tố trượt giá trong tính tổng kinh phí phải thực hiện. Do đó làm phát sinh rủi ro về nguồn tài chính cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.
* Đề xuất giải pháp
Chính vì những nguyên nhân nêu trên, nên việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng là rất cần thiết. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và việc giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội; ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chế tài phải đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Cùng với việc phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng và cải tạo, phục hồi môi trường, nên điều chỉnh quy định phí bảo vệ môi trường có tính đến mức độ ô nhiễm môi trường như hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng. Quy định cụ thể cách tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các trường hợp thời gian khai thác mỏ, theo giấy phép khác với thời gian đã dự tính trong báo cáo đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy định cụ thể định mức tính toán cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Bổ sung quy định về cải tạo, phục hồi môi trường chung cho các khu vực khai thác khoáng sản có nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác; quy trình, hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với từng loại hình khai thác; nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng cho công tác này; tính toán khoản tiền ký quỹ, hệ số trượt giá theo thực tế...
Một giải pháp rất cần thiết là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; có chương trình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường...
Quyết định số 18/2013 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, do vậy nội dung và cấu trúc của đề án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác và chế biến khoáng sản cần được nghiên cứu thấu đáo, khoa học, toàn diện để đảm bảo tính khoa học và thực tế áp dụng của các mỏ sau khai thác, đáp ứng phát triển bền vững sau này. Theo quy định này, yêu cầu khi xin cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được duyệt.
Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi. Mặt khác có cả ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.
Trường hợp đã được duyệt dự án thì trước khi bắt đầu khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải lập, trình đề án cải tạo, phục hồi môi trường. Các đối tượng được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ với số tiền bằng tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi, nhằm bảo đảm chắc chắn nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác một cách có hiệu quả.