Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định phân bổ 340 triệu đồng thực hiện dự án di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai thôn Gia Bắc, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh. Trước đó, cuối tháng 9-2013, trên địa bàn xã Tân Nghĩa - cách lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 (ĐN2) khoảng 500 m - xảy ra hiện tượng đất nứt, sạt lở diện rộng. Đến nay, người dân địa phương vẫn chưa ổn định được cuộc sống. Hiện tượng sạt lở liệu có còn xảy ra hay không cũng chưa cơ quan chức năng nào thông báo.
Dời dân ra xa 2 km
Theo UBND xã Tân Nghĩa, phạm vi sạt lở khoảng 50 ha gồm 3 thôn: Gia Bắc 2, Lộc Châu 2 và Lộc Châu 3. Trong 27 hộ ảnh hưởng, 17 hộ ở thôn Gia Bắc 2 bị nặng nhất với 15 căn nhà hư hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 1,35 tỉ đồng. Tuyến đường dẫn vào thôn Gia Bắc 2 và đường điện cũng hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 1,3 tỉ đồng.
Ông Lê Ngọc Chánh, Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, cho biết xã đã vận động người dân về tạm cư ở sân bóng của địa phương, hỗ trợ mỗi hộ ảnh hưởng 10 triệu đồng, đồng thời không cho phép xây dựng công trình ở khu vực sạt lở. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Canh, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, 17 hộ thôn Gia Bắc 2 phải di dời khỏi khu vực sạt lở.
UBND huyện Di Linh cũng vừa phê duyệt phương án bố trí tái định cư cho 17 hộ nêu trên tại khu vực cách nơi ở cũ khoảng 2 km. Về khoản tiền 340 triệu đồng, huyện vẫn chưa chi trả do phải thẩm định mức độ thiệt hại từng hộ.
Như vậy, ngoài các hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ phải di dời để nhường đất cho thủy điện ĐN2, nay các hộ bên ngoài dự án cũng phải di dời.
Nhà chưa tân gia đã tan hoang
Mới đây, chúng tôi đã đến khu vực sạt lở đất nằm cạnh thủy điện ĐN2. Mặt đất bị xé toác tạo ra những rãnh sâu, rộng đến cả gang tay, chạy dài hơn 10 m. Khắp nơi ngổn ngang cây cà phê, tiêu bị chôn vùi. Người dân cho hay hiện tượng sạt lở bắt đầu vài ngày sau khi thủy điện ĐN2 tích nước (21- 9), kéo dài đến 2 tuần mới có dấu hiệu ngừng lại.
Anh Dương Văn Sản có căn nhà kiên cố nhất thôn Gia Bắc 2 và cũng là người bị thiệt hại nặng nhất. Sau trận sạt lở, căn nhà hơn 100 m2 chỉ còn là đống đổ nát. Thế nhưng, anh vẫn ở nhà kho sát bên nền nhà cũ để mót số cà phê còn sót trong rẫy, chỉ cho vợ con về sống bên ngoại.
“Tôi xây căn nhà hết 300 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, chưa kịp tổ chức tân gia thì đã tan hoang, Giờ nhà không còn nhưng nợ thì còn đó, phải xoay xở để trả. Cả gia đình trông vào vườn cà phê nhưng phần thì thiếu nước, phần bị đất sạt lở gãy đổ hết, mót được chút nào hay chút đó” - anh nói như mếu.
Hầu hết nhà cửa trong khu vực sạt lở đều bể nát nhưng căn nhà của anh Lâm Thanh Nhã không bị xé tường. Vậy nhưng, anh phải che tạm căn chòi gần nhà để… tìm lại đất của mình. “Thấy dây điện võng xuống nền nhà, tôi căng lên nhưng nửa buổi đã võng trở lại. Khoảng 3 lần như thế, tôi phát hiện nhà mình bị trôi. Sáng ngủ dậy nhìn ra cửa, tôi chỉ thấy rẫy nhà hàng xóm, còn rẫy nhà mình không biết trôi đi đâu” - anh băn khoăn. Hiện nay, nhà anh Nhã đã cách nền cũ khoảng 5 m.
Dù chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đến nơi an toàn nhưng hầu hết các hộ đều trở về dựng nhà tạm để cố gắng thu hoạch nông sản còn sót.
Tại… thiên tai?
Trong tất cả văn bản của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, hiện tượng trượt lở đất tại xã Tân Nghĩa đều được gọi là “thiên tai”. Vì thế, chi phí hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, ổn định cuộc sống đều trích từ ngân sách nhà nước. Dẫu vậy, chi phí đó vẫn không đủ bù đắp những thiệt hại của người dân.
Đại diện UBND xã Tân Nghĩa cho rằng cơn địa chấn vừa qua có sự tác động từ thủy điện ĐN2 nhưng mức độ ảnh hưởng bao nhiêu cần có các nhà khoa học giám định. Trong khi đó, ông Đặng Công Chuẩn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Trung Nam, chủ đầu tư dự án thủy điện ĐN2 - khẳng định không có sự liên quan giữa việc thủy điện tích nước và sạt lở đất.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cũng đề cập vấn đề sạt lở nhưng rất khó xảy ra. Theo ông Chuẩn, trước đó, ở Tân Nghĩa đã xảy ra một trận mưa lớn, đây có thể là nguyên nhân gây sạt lở. Do khu vực sạt lở nằm ngoài ranh dự án nên chủ đầu tư không cần khảo sát, đánh giá lại về địa chất.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã 3 lần khảo sát khu vực sạt lở. Ông Huỳnh Thiên Tính, trưởng phòng khoáng sản của sở này, mô tả khu vực sạt lở xuất hiện hệ thống các khe nứt song song, nằm gần vuông góc với dòng chảy sông Đa Dâng (sông Đồng Nai). Vị trí nứt gần lòng hồ thủy điện nhất là 700 m, độ chênh cao giữa khu vực sạt lở và lòng hồ dao động 80-300 m.
Theo ông Tính, đây là khu vực nằm trên lớp vỏ bazan chưa phân hóa hết, xen lẫn viên đá mồ côi nên cấu trúc yếu, thời điểm trước đó mưa nhiều thấm vào đất, cộng với nước mưa chảy từ trên núi đùn đất xuống. Đây có thể là nguyên nhân gây sạt lở đất. Nếu khu vực này còn mưa sẽ tiếp tục trượt sạt nhưng rất may mưa dừng lại.
Hiện tượng chưa từng có
Người dân thôn Gia Bắc 2 chỉ cho chúng tôi một nửa thân cây xoài bị chôn vùi. Cách đó khoảng 30 m, chúng tôi mới bắt gặp gốc xoài này nằm trơ trọi. Rõ ràng, khu vực này vừa trải qua một cơn địa chấn dữ dội.
Anh Dương Văn Sản khẳng định sạt lở đất đá ở Tân Nghĩa chỉ xảy ra sau khi thủy điện ĐN2 tích nước. “Trước giờ chưa có hiện tượng này. Người dân mong cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm đưa ra kết luận nguyên nhân vụ lở đất. Ai gây ra người đó phải bồi thường để giúp dân giải quyết thiệt hại, ổn định cuộc sống” - anh Sản kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Nghĩa, ở Gia Bắc 2 từng có hiện tượng đất đùn lên gây đổ sập một căn nhà; còn hiện tượng nứt, sạt trượt diện rộng thì chưa từng thấy. Là người sống trong khu vực này đã lâu, ông Ngọc cho rằng địa chất và thế đất rất ổn định, không dễ sạt trượt.