Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Thực hiện hiệu quả việc bảo vệ rừng
Với sự ra đời của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, lâm nghiệp cộng đồng đã chính thức trở thành một phần quan trọng trong chính sách lâm nghiệp và quản lý lâm nghiệp ở Việt Nam . Để thúc đẩy các hoạt động lâm nghiệp cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai Dự án “Tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam ” tại 9 tỉnh trong cả nước. Mục tiêu của Dự án là tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cộng đồng địa phương ở Việt Nam vào việc quản lý tài nguyên rừng tự nhiên một cách công bằng và bền vững về mặt sinh thái; góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo đối với những cộng đồng sống dựa vào rừng. Tại tỉnh Sơn La, Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng, với sự tham gia của 640 hộ dân. Diện tích rừng cộng đồng quản lý tại các bản là hơn 3.100 ha.
Theo ông Vũ Đức Thuận, Giám đốc Ban quản lý Dự án Tăng cường lâm nghiệp cộng đồng tỉnh Sơn La, rừng cộng đồng trong cả nước nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng được phân thành 3 loại: Rừng và đất do cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống tự nhiên từ nhiều đời nay; rừng và đất được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng; rừng và đất rừng do các tổ chức, cơ quan nhà nước, các nông lâm trường giao khoán cho cộng đồng. Hiện nay, rừng cộng đồng được quản lý theo các hình thức chính là quản lý theo dòng tộc, theo dân tộc; quản lý rừng theo thôn, bản và quản lý rừng theo nhóm hộ, sở thích. Việc trao quyền sử dụng và quản lý rừng cho người dân sẽ tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Giao rừng cho cộng đồng chính là giao quyền tự chủ cho dân, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Khi trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, người dân sẽ biết nhiều hơn, có thêm một diễn đàn để thảo luận các vấn đề quan trọng đối với họ và kiểm tra các hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong ngành lâm nghiệp.
Ông Đào Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cho biết, với đặc thù là địa bàn miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, rừng là yếu tố quan trọng trong văn hóa đồng bào dân tộc ở Sơn La. Từ lâu, cộng đồng thôn bản đã xây dựng hương ước và tập quán quản lý rừng. Nhiều bản của người Thái, người Mường vẫn tiếp tục bảo vệ các khu rừng nhỏ tồn tại lâu đời trên địa bàn. Họ xem đây là những khu rừng thiêng và chỉ thu lượm những cành cây đã chết về làm củi đun, chứ không chặt cây hay phát nương trong các khu rừng này. Người dân bảo vệ rừng vì họ coi rừng là nơi trú ngự của những vị thần linh có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Chính vì vậy, khi phát triển lâm nghiệp cộng đồng, những yếu tố này sẽ góp phần tích cực vào công tác bảo vệ rừng.
Tạo sinh kế cho người dân
Hiện nay, ở các vùng xa xôi hẻo lánh, điều kiện sống của người dân còn khó khăn, rừng được xem là nguồn cung cấp tài nguyên cho người dân địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và tạo thu nhập. Tuy nhiên, nếu người dân tự ý khai thác sẽ vi phạm pháp luật, do vậy việc tham gia Dự án lâm nghiệp cộng đồng là cơ sở để người dân vừa tham gia giữ rừng và được phép khai thác rừng theo quy định, góp phần mang lại nguồn thu chính đáng.
Ông Giàng A Da, Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, cho biết trước đây người dân địa phương sống bằng sản xuất nông nghiệp và hái lượm lâm sản từ rừng. Do quá trình sản xuất cũng như nhu cầu của đời sống, bà con chỉ biết phát rừng để mở rộng diện tích canh tác mà không nghĩ đến hậu quả tác động vào môi trường sinh thái. Nhưng từ khi thực hiện Dự án lâm nghiệp cộng đồng, rừng được giao cho dân quản lý và được khai thác theo quy định khi có sự đồng ý của cả cộng đồng. Nhờ đó, người dân có thêm nguồn thu được tạo ra từ hoạt động khai thác gỗ của rừng cộng đồng.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Tăng cường lâm nghiệp cộng đồng tỉnh Sơn La cho biết, nhằm tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, Dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình cây giổi ăn quả cho 5 cộng đồng, với quy mô 5 ha, mức hỗ trợ bình quân là hơn 17 triệu đồng/ha. Hiện tại cây sinh trưởng tốt, về lâu dài sẽ đem lại nguồn thu nhập từ cây trồng và tăng cường chất lượng rừng, góp phần phát triển nguồn tài nguyên rừng cộng đồng. Dự án còn hỗ trợ người dân xây dựng 42 bếp tiết kiệm củi, trị giá 2,5 triệu đồng/bếp.
Bên cạnh đó, Nhà nước đang thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Thông qua chính sách này, người dân sẽ được chi trả tiền tương ứng với diện tích rừng mà họ tham gia bảo vệ. Theo quy định, người dân sẽ được chi trả 250.000 đồng/ha/năm. Đây cũng chính là một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân. Ngoài ra, đối với diện tích rừng và đất rừng chính quyền địa phương giao, cộng đồng có thể tận dụng khi rừng chưa khép tán hoặc đất trống chưa trồng rừng để canh tác kết hợp cây nông nghiệp. Vì vậy, phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ làm gia tăng lợi ích thu được từ rừng cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là đối với người nghèo.